Đối với người mới tiếp xúc với lĩnh vực kinh doanh có lẽ vẫn còn bối rối với một số thuật ngữ như khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, không biết dùng sao cho đúng.
Khởi sự kinh doanh là gì?
Khởi sự kinh doanh (tiếng Anh: Start a business) nghĩa là quá trình bắt đầu và triển khai một công việc kinh doanh mới, tương đương với tự kinh doanh riêng, tự làm chủ (trái ngược với đi làm thuê).
Người khởi sự kinh doanh (tiếng Anh: Entrepreneur) là người tạo dựng, thành lập doanh nghiệp mới và phát triển công việc kinh doanh của doanh nghiệp đó, bắt đầu từ ý tưởng cho đến thiết lập và vận hành doanh nghiệp.
Khởi nghiệp là gì?
Khởi nghiệp (tiếng Anh: Startup) là quá trình bắt đầu và phát triển một doanh nghiệp mới hoặc một dự án có tính đột phá và sáng tạo. Ban đầu, "startup" hay "khởi nghiệp" chủ yếu được dùng trong lĩnh vực công nghệ, sau đó dần phổ biến trong các lĩnh vực khác. Sản phẩm của dự án/công ty khởi nghiệp tập trung vào việc sáng tạo giá trị mới cho thị trường và cung cấp giải pháp mới để giải quyết vấn đề cụ thể của xã hội.
Người khởi nghiệp (tiếng Anh: Startuper hoặc Startupper) là người có ý tưởng độc đáo, sáng tạo. Họ sẽ tìm cách giải quyết các vấn đề hoặc đáp ứng nhu cầu mới (chưa được thỏa mãn trong xã hội) thông qua quá trình phát triển sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên ý tưởng ban đầu.
Phân biệt khởi sự kinh doanh với khởi nghiệp
Khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp đều liên quan đến việc bắt đầu một hoạt động kinh doanh mới những vẫn có sự khác biệt nhất định.
Mục tiêu
Mục tiêu chính của khởi sự kinh doanh là tạo ra lợi nhuận. Người khởi sự kinh doanh tập trung tìm kiếm cơ hội kinh doanh và xây dựng mô hình kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo ra giá trị cho khách hàng. Trong khi đó, mục tiêu của khởi nghiệp không chỉ là lợi nhuận mà còn là tạo ra sản phẩm, dịch vụ, công nghệ đột phá nhằm cải thiện xã hội, giải quyết quyết vấn đề của xã hội và đôi khi có thể thay đổi cách vận hành của một ngành nghề, lĩnh vực nào đó.
Ý tưởng sáng tạo
Đặc điểm nổi bật của khởi nghiệp là tính sáng tạo, đột phá. Doanh nghiệp khởi nghiệp mang đến những ý tưởng mới, công nghệ mới, cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề. Ví dụ: Từ năm 2014 đến nay, ví điện tử Momo đã góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi số trong thói quen thanh toán của người Việt.
Khởi sự kinh doanh không nhất thiết phải có ý tưởng sáng tạo, ngay cả khi không có ý tưởng mang tính đột phá, sáng tạo thì bạn vẫn có thể bắt đầu một công việc kinh doanh. Dù là thành lập doanh nghiệp cung cấp những mặt hàng thông thường hay bán hàng online, bán sản phẩm do bạn tự làm,... thì vẫn được xem là bắt đầu kinh doanh doanh, hay còn gọi là khởi sự kinh doanh.
Rủi ro tài chính
Đối với khởi nghiệp, ý tưởng mang tính sáng tạo cao nhưng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn để nhà khởi nghiệp có thể thử nghiệm và biến ý tưởng thành công việc kinh doanh thực tế. Chính vì vậy, khởi nghiệp có tính rủi ro cao hơn so với những mô hình kinh doanh khác.
Khởi sự kinh doanh vẫn có tính rủi ro nhưng thấp hơn một chút vì bạn vẫn có thể kinh doanh theo mô hình đã được người khác thử nghiệm thành công trước đó, không nhất định phải theo đuổi các ý tưởng mới nhưng rủi ro cao. Đồng thời, bạn có thể tự kinh doanh theo sở thích, thành lập doanh nghiệp theo số vốn tự có,... để gây dựng sự nghiệp bằng còn đường khởi sự kinh doanh.
Tinh thần
Khởi sự kinh doanh nhấn mạnh đến tinh thần doanh nhân, tinh thần tự kinh doanh và làm chủ, về ý chí và quyết tâm để thành công trong việc xây dựng và vận hành một doanh nghiệp. Nhà khởi sự kinh doanh muốn trở thành ông chủ và tạo việc làm cho người khác.
Trong khi đó, khởi nghiệp nhấn mạnh vào tinh thần sáng tạo, đổi mới, sẵn sàng thử nghiệm cái mới để tìm ra giải pháp đột phá cho một vấn đề xã hội. Người khởi nghiệp thường có tầm nhìn xa, tìm kiếm cơ hội, và thách thức các giới hạn hiện tại. Người khởi nghiệp muốn thay đổi cách vận hành của xã hội để cải thiện cuộc sống của con người.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng tinh thần doanh nhân và tinh thần sáng tạo không hoàn toàn tách biệt và có thể kết hợp, hội tụ đầy đủ trong một nhà khởi sự kinh doanh hoặc khởi nghiệp.
Các loại hình khởi sự kinh doanh
Chúng ta có thể phân biệt khởi sự kinh doanh theo nhiều tiêu chí khác nhau.
Theo mục đích khởi sự
Theo mục đích của người khởi sự, khởi sự kinh doanh có thể chia thành 2 loại dưới đây:
Thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích lợi nhuận
Thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích lợi nhuận là quá trình tạo ra một tổ chức kinh doanh với mục tiêu chính là kiếm tiền. Mục đích này thường làm động lực để các doanh nhân dấn thân vào con đường khởi sự kinh doanh.
Thành lập doanh nghiệp không nhằm mục đích lợi nhuận
Doanh nghiệp được thành lập không nhằm mục đích lợi nhuận được gọi là doanh nghiệp xã hội. Những doanh nghiệp này cam kết sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã cam kết trong quá trình thành lập doanh nghiệp.
Lưu ý: Quy trình thành lập doanh nghiệp xã hội khác với quy trình thành lập doanh nghiệp thông thường. Chủ doanh nghiệp cần lưu ý về hồ sơ, thủ tục khi thực hiện quy trình thành lập doanh nghiệp để tránh nhầm lẫn khiến cho hồ sơ bị loại. Cá nhân, doanh nghiệp cần tư vấn, hỗ trợ làm hồ sơ, thủ tục trong quy trình thành lập công ty, doanh nghiệp thì có thể liên hệ với Luật sư An Việt để nhận tư vấn.
Theo tiêu chí nền tảng kiến thức khởi sự
Nền tảng kiến tưởng về khởi sự kinh doanh đóng vai trò quan trọng để giúp bạn hiểu và xây dựng cơ sở vững chắc cho doanh nghiệp của mình. Theo tiêu chí kiến thức, khởi sự kinh doanh có thể phân thành hai loại là:
Khởi sự thiếu kiến thức nghề nghiệp:
Kinh doanh vì kế sinh nhai, loại khởi sự này thường chật vật, khó tồn tại lâu dài vì khó cạnh tranh trong môi trường kinh doanh sôi động hiện nay.
Khởi sự có kiến thức nghề nghiệp:
- Doanh nghiệp khởi sự dựa trên kiến thức chuyên môn, kiến thức về công nghệ,... Người khởi sự có sự am hiểu sâu sắc về kỹ năng chuyên môn, ngành nghề hoặc lĩnh vực mà họ muốn hoạt động.
- Doanh nghiệp khởi sự dựa trên kiến thức về thị trường: người khởi sự tập trung vào việc nắm bắt và phân tích thông tin về thị trường, xu hướng và nhu cầu của khách hàng.
Nhà khởi sự kinh doanh thành công thường sở hữu và vận dụng linh hoạt các kiến thức này cho doanh nghiệp của mình. Ví dụ: Thành lập công ty chứng khoán cần có kiến thức chuyên môn tài chính vững vàng, hiểu biết về công nghệ và liên tục cập nhật thông tin liên tục về xu hướng đầu tư, tình hình tài chính,...