Skip to content

Thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động: Có hợp pháp không?

26/04/20251 lượt đọc

Doanh nghiệp “ma” là tên gọi phổ biến của những doanh nghiệp được thành lập nhưng không có hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại nào. Nói cách khác các doanh nghiệp này chỉ tồn tại trên giấy tờ chứ không hoạt động thực tế. Vậy việc thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động có hợp pháp hay không? Và doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những hậu quả nào? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!

Dấu hiệu của doanh nghiệp thành lập nhưng không hoạt động

Hiện nay có không ít doanh nghiệp thành lập cho có với nhiều mục đích khác nhau, và dưới đây là các dấu hiệu của một doanh nghiệp không hoạt động dù đã được thành lập:

  • Không có địa điểm kinh doanh cụ thể: Khi đến kiểm tra trụ sở sẽ thấy không có biển hiệu, không có ai làm việc, không có hoạt động ra vào. Có nhiều trường hợp thuê địa chỉ ảo để đăng ký hàng loạt công ty chỉ để lấy tư cách pháp nhân phục vụ cho mục đích khác mà không có nhu cầu hoạt động thực tế.
  • Doanh nghiệp không có hoạt động kinh doanh: Đây là dấu hiệu cơ bản để nhận diện một công ty “ma”. Đối với các công ty này, sẽ không có sản phẩm, dịch vụ nào được triển khai. Từ đó không phát sinh hoá đơn, hợp đồng mua bán nào.
  • Không phát sinh doanh thu: Không có hoạt động kinh doanh nên đồng nghĩa với việc doanh thu không có nên báo cáo thuế thường không có, thậm chí là không nộp.
  • Không có nhân sự: Sẽ không có ai thực sự làm việc tại trụ sở bao gồm cả nhân viên lẫn người đại diện pháp luật. Điều này rất dễ thấy ở doanh nghiệp chỉ lập để lấy giấy phép, sau đó để đó không vận hành thật.

Có thể thấy từ thông tin này, có rất nhiều nguyên nhân và dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp thành lập nhưng không hề hoạt động. Vậy việc này có hợp pháp hay không? Hãy cùng tiếp tục theo dõi để tìm câu trả lời nhé!

Thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động có hợp pháp không?

Câu trả lời là . Thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động là hợp pháp, miễn là công ty vẫn tuân thủ đúng các nghĩa vụ pháp lý cơ bản.

Theo Điều 7 của Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền của doanh nghiệp như sau:

“1. Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.

2. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.

3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.

4. Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.

5. Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.

6. Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

7. Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

8. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.

9. Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.

10. Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

11. Quyền khác theo quy định của pháp luật.”

Doanh nghiệp có quyền lựa chọn khi nào bắt đầu kinh doanh, ngành nghề gì, quy mô ra sao. Có thể kết luận rằng, pháp luật không bắt buộc doanh nghiệp phải hoạt động ngay lập tức sau khi có giấy phép. Tuy nhiên, nếu để doanh nghiệp không hoạt động trong một thời gian quá lâu mà không xử lý đúng cách, bạn có thể gặp rủi ro về pháp lý, tài chính hoặc bị xử phạt hành chính.

Hậu quả của thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động

Việc thành lập công ty nhưng chưa hoạt động luôn là điều hoàn toàn bình thường trong thực tế kinh doanh, tuy nhiên nếu để tình trạng này kéo dài mà không có biện pháp xử lý phù hợp thì doanh nghiệp sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý như sau:

Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Căn cứ Điểm c khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Các trường hợp Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau:

“c) Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;”

Tóm lại, việc doanh nghiệp không hoạt động trong vòng 01 năm nhưng không thông báo tạm ngừng với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp lúc đó sẽ bị mất tư cách pháp nhân.

Xử phạt hành chính

Căn cứ quy định tại Điểm c Điều 50 Nghị định 122/2021/NĐ-CP:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

c) Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh.”

Theo đó, doanh nghiệp còn có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 15 triệu đồng nếu không thông báo hoặc thông báo sai thời điểm, thời hạn tạm ngừng kinh doanh hoặc vẫn tiếp tục hoạt động mà không đăng ký.

Vi phạm thời hạn nộp thuế

Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP mức phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp trễ thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:

Thời hạn trễ

Mức phạt

01–05 ngày

Cảnh cáo (nếu có tình tiết giảm nhẹ)

06–30 ngày

Phạt từ 2.000.000 - 5.000.000 đồng 

31–60 ngày

Phạt từ 5.000.000 - 8.000.000 đồng

61–90 ngày hoặc quá 91 ngày nhưng không có thuế phải nộp

Phạt từ 8.000.000 - 15.000.000 đồng

Quá 90 ngày và có thuế phát sinh nhưng chưa nộp hồ sơ

Phạt từ 15.000.000 - 25.000.000 đồng

Chấm dứt hiệu lực mã số thuế

Theo điểm d khoản 2 Điều 39 Luật Quản lý thuế 2019, đối với các doanh nghiệp nếu cơ quan thuế đến xác minh và phát hiện không còn hoạt động tại trụ sở đã khai báo, đồng thời không có dấu hiệu hoạt động kinh doanh thực tế, thì sau một thời gian theo dõi và gửi thông báo, cơ quan thuế sẽ ra quyết định đóng mã số thuế của doanh nghiệp.

Đây là bước đầu tiên dẫn tới tình trạng buộc giải thể hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu không được khắc phục kịp thời.

Cách hợp pháp hoá thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động

Tạm ngừng hoạt động kinh doanh

Nếu doanh nghiệp có ý định không hoạt động kinh doanh trong một thời gian ngắn, có thể thực hiện thủ tục Tạm ngừng hoạt động công ty trong vòng 01 năm theo quy định của pháp luật tới cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế. Và việc thông báo chậm nhất là 03 ngày trước ngày tạm ngừng kinh doanh.

Và khi doanh nghiệp muốn hoạt động trở lại thì gửi thông báo tới cơ quan đăng ký kinh doanh về việc hoạt động trở lại.

Giải thể doanh nghiệp

Tình trạng thành lập công ty nhưng không hoạt động phổ biến ngày nay nhưng nó là một rủi ro pháp lý lớn. Khi công ty không hoạt động, không nộp thuế nghĩa là doanh nghiệp được công nhận tồn tại hợp pháp trên hệ thống pháp luật. Nhưng lại không thể thực hiện các nghĩa vụ thuế, báo cáo định kỳ do không hoạt động, nên việc này có thể bị xử phạt hành chính.

Cho nên, nếu doanh nghiệp không còn khả năng và nhu cầu tiếp tục hoạt động kinh doanh, việc chấm dứt tư cách pháp nhân là thủ tục giải thể doanh nghiệp đúng quy định của pháp luật.

Tóm lại, hiện tượng thành lập công ty “ma” đang ngày càng nhiều. Nhưng vẫn được pháp luật quản lý chặt chẽ và có các hình phạt nếu thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động như bị thu hồi mã số thuế, mất tư cách pháp nhân… Vì vậy, chủ doanh nghiệp cần có phương án xử lý hợp lý Tạm ngừng hoặc Giải thể doanh nghiệp đúng quy định khi không còn nhu cầu kinh doanh. Nếu cần hỗ trợ thực hiện các thủ tục liên quan đến tạm ngừng, giải thể doanh nghiệp, đừng ngần ngại liên hệ với Luật An Việt - Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ bạn xử lý mọi vấn đề pháp lý một cách nhanh chóng!

5/5 (1 bầu chọn)