Skip to content

Hiểu đúng về các loại hình, nghiệp vụ của công ty chứng khoán

04/03/2024444 lượt đọc

Hiểu đúng về các loại hình, nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán sẽ giúp bạn ước lượng được vốn góp, số lượng thành viên,... để thành lập công ty chứng khoán.

Định nghĩa công ty chứng khoán

Theo cách hiểu thông thường, "công ty chứng khoán" là tên gọi chung của các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên, những chuyên gia trong ngành chứng khoán không gọi chung như vậy. Không phải bất kỳ chủ thể nào tiến hành hoạt động kinh doanh chứng khoán cũng đều là công ty chứng khoán. 

Bởi kinh doanh chứng khoán bao gồm các nghiệp vụ: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và cung cấp các dịch vụ về chứng khoán phù hợp với quy định của pháp luật.

thanh-lap-cong-ty-chung-khoan

Từ đó, chúng ta thấy được chủ thể kinh doanh chứng khoán có nhiều loại như công ty chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và một số chủ thể khác cung cấp những dịch vụ liên quan. 

Công ty chứng khoán là doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép thực hiện một hoặc một số nghiệp vụ (gồm môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán) và các hoạt động khác được quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 86 Luật Chứng khoán 2019.

Do đó, công ty chứng khoán chỉ là một trong nhiều loại chủ thể kinh doanh chứng khoán, không thể sử dụng cụm từ "công ty chứng khoán" để gọi chung các tổ chức kinh doanh trong ngành chứng khoán.

Các loại hình công ty chứng khoán

Phân loại theo hình thức tổ chức pháp lý doanh nghiệp

Theo quy định của pháp luật, nếu bạn muốn thành lập công ty chứng khoán thì có thể tổ chức công ty dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. 

Công ty TNHH

Công ty TNHH chia thành 2 loại là công ty TNHH 1 thành viên và công ty TNHH 2 thành viên trở lên. 

*Thành lập công ty chứng khoán theo loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Để thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải có tối thiểu 02 thành viên (tối đa 50 thành viên) tham gia góp vốn. Thành viên góp vốn thành lập công ty chứng khoán có thể là cá nhân, tổ chức nhưng phải có ít nhất 02 thành viên là tổ chức.

Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có nhiều thành viên góp vốn hơn công ty TNHH 1 thành viên nên có thể sẽ có nhiều vốn hơn để phục vụ cho quá trình hình hoạt động trong ngành chứng khoán yêu cầu vốn lớn.

Các thành viên trong công ty TNHH 2 thành viên chủ yếu là những đối tượng quen biết nhau từ trước và cùng nhau góp vốn để thành lập công ty chứng khoán. Đồng thời, chế độ chuyển nhượng và mua lại phần vốn góp của loại hình công ty này được pháp luật quy định chặt chẽ để công ty dễ dàng kiểm soát việc thay đổi các thành viên, tránh được tình trạng người lạ hoặc đối thủ muốn thâm nhập vào công ty.

*Thành lập công ty chứng khoán theo loại hình công ty TNHH 1 thành viên

Công ty TNHH 1 thành viên chỉ có một cá nhân hoặc một tổ chức làm chủ sở hữu nên có toàn quyền quyết định mọi đề của công ty mà không cần xin ý kiến hay cần sự đồng thuận của các cổ đông, thành viên khác như công ty TNHH 2 thành viên trở lên và công ty cổ phần. 

Những cũng vì chỉ có 1 thành viên nên tiền vốn có thể sẽ hạn chế hơn hai loại hình đó. Để huy động thêm vốn góp của cá nhân, tổ chức khác thì công ty phải thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp:

Ngành chứng khoán là ngành có rủi ro cao, yêu cầu tiềm lực tài chính dồi dào. Do đó, nếu thành lập công ty chứng khoán dưới loại hình công ty TNHH 1 thành viên thì chủ sở hữu công ty chứng khoán phải là doanh nghiệp bảo hiểm hoặc ngân hàng thương mại. 

Công ty cổ phần

Công ty cổ phần có vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau (được gọi là cổ phần),người sở hữu cổ phần được gọi là cổ đông. Công ty cổ phần phải có ít nhất 03 cổ đông và không giới hạn số lượng tối đa nên có khả năng huy động vốn rộng rãi nhất để thành lập công ty chứng khoán. Cổ đông sáng lập công ty chứng khoán có thể là cá nhân, tổ chức nhưng phải có tối thiểu 02 cổ đông sáng lập là tổ chức.

Khi thành lập công ty cổ phần, các cổ đông chỉ cần chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác trong phạm vi số vốn đã góp nên mức độ rủi ro không cao. Tuy nhiên việc quản lý và điều hành công ty cổ phần tương đối phức tạp vì số lượng các cổ đông có thể rất lớn và có thể phân hóa thành các nhóm cổ đông đối kháng nhau về lợi ích.

thanh-lap-cong-ty-chung-khoan

Phân loại theo hình thức đầu tư và nguồn vốn của chủ sở hữu 

Dựa trên hình thức đầu tư và nguồn vốn của chủ sở hữu, công ty chứng khoán được chia thành: 

- Công ty chứng khoán 100% vốn trong nước

- Công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài 

- Công ty chứng khoán hỗn hợp: Nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn thành lập công ty chứng khoán dưới hình thức liên doanh hoặc góp vốn, mua cổ phần. Tỷ lệ vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài trong công ty chứng khoán không vượt quá 49% vốn điều lệ của công ty. 

- Chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài đặt tại Việt Nam

Phân loại theo nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán

Một công ty chứng khoán có thể thực hiện một, một số hoặc tất cả nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán được cấp phép bởi Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Tùy theo hoạt động nghiệp vụ công ty chứng khoán thực hiện mà có thể chia thành 2 loại:

- Công ty chứng khoán tổng hợp: Công ty thực hiện tất cả các nghiệp vụ của một công ty chứng khoán. Để trở thành công ty chứng khoán tổng hợp đòi hỏi công ty phải có tài chính dồi dào, đội ngũ nhân viên giỏi và hệ thống cơ sở vật chất đủ mạnh để tiến hành phối hợp các hoạt động nghiệp vụ một cách tốt nhất.

- Công ty chứng khoán chuyên doanh: Là công ty chứng khoán chỉ thực hiện một hoặc hai hoạt động nghiệp vụ. Những nghiệp vụ mà công ty lựa chọn phải là những hoạt động không gây xung đột về lợi ích. Do chỉ thực hiện một hoặc 2 nghiệp vụ nên công ty chứng khoán chuyên môn hóa thường có bộ máy tổ chức gọn nhẹ, không cần nhiều vốn như công ty chứng khoán tổng hợp và có thể tập trung mọi nguồn lực để phát triển hoạt động của mình.

thanh-lap-cong-ty-chung-khoan

Các nghiệp vụ của công ty chứng khoán

Nghiệp vụ môi giới chứng khoán

Đối với nghiệp vụ môi giới chứng khoán, công ty chứng khoán đóng vai trò là bên trung gian giúp khách hàng (nhà đầu tư) kết nối với các giao dịch mua, bán chứng khoán.

Theo Khoản 1 Điều 86 Luật Chứng khoán 2019, công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán được cung cấp các dịch vụ sau đây:

- Nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân; thực hiện phân phối hoặc làm đại lý phân phối chứng khoán; quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán; cung ứng dịch vụ quản lý danh sách người sở hữu chứng khoán cho các doanh nghiệp khác;

- Cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến; cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán hoặc cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán; cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán; lưu ký chứng khoán; bù trừ và thanh toán chứng khoán; các dịch vụ trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Nghiệp vụ tự doanh chứng khoán

Tự doanh chứng khoán là việc công ty chứng khoán mua, bán chứng khoán cho chính mình để hưởng lợi nhuận từ chênh lệch giá chứng khoán (mua thấp, bán cao).

Theo khoản 2 Điều 86 Luật chứng khoán 2019, công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán được làm các việc sau:

  • Giao dịch chứng khoán trên tài khoản tự doanh chứng khoán 
  • Đầu tư, góp vốn, phát hành, chào bán các sản phẩm tài chính
thanh-lap-cong-ty-chung-khoan

Nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán

Bảo lãnh phát hành chứng khoán là “việc cam kết với tổ chức phát hành nhận mua một phần hoặc toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết hoặc cố gắng tối đa để phân phối số chứng khoán cần phát hành của tổ chức phát hành.”

Theo khoản 3 Điều 86 Luật chứng khoán,công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán được cung cấp dịch vụ: 

  • Tư vấn hồ sơ chào bán chứng khoán, thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán
  • Đại lý lưu ký, thanh toán, chuyển nhượng chứng khoán
  • Tư vấn tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập, tổ chức lại, mua bán doanh nghiệp
  • Tư vấn quản trị, tư vấn chiến lược doanh nghiệp
  • Tư vấn chào bán, niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán
  • Tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp

Khi phát hành chứng khoán, công ty phát hành thường muốn định giá cao, còn nhà đầu tư lại muốn giá thấp hơn giá thị trường để kiếm lời nhiều hơn. Chính vì vậy, mục tiêu lớn nhất của việc bảo lãnh phát hành chứng khoán là đảm bảo việc phát hành thành công. Khi được một công ty chuyên nghiệp bảo lãnh, nhà phát hành chứng khoán sẽ tăng thêm uy tín và thu hút nhiều nhà đầu tư mua chứng khoán hơn.

Các tổ chức bảo lãnh phát hành (công ty chứng khoán) sẽ được hưởng một khoản phí bảo lãnh nhất định trên số tiền thu được từ đợt phát hành. Phí bảo lãnh cao hay thấp còn tùy thuộc vào tính chất của đợt phát hành (lớn hay nhỏ, thuận lợi hay khó khăn).

thanh-lap-cong-ty-chung-khoan

Nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán

Tư vấn đầu tư chứng khoán là "việc cung cấp cho khách hàng kết quả phân tích, báo cáo phân tích và đưa ra khuyến nghị liên quan đến việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán."

Theo khoản 4 Điều 86 Luật chứng khoán, công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán sẽ được ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho khách hàng kết quả phân tích, báo cáo phân tích và đưa ra khuyến nghị liên quan đến việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán.

Hoạt động tư vấn chứng khoán phải hết sức thận trọng vì phải đưa ra lời khuyên có ích cho khách, lời khuyên đó có thể giúp khách hàng thu về lợi nhuận khổng lồ nhưng cũng có thể khiến khách hàng rơi vào tình trạng thua lỗ, phá sản. Công ty chứng khoán thực hiện tư vấn chứng chứng khoán sẽ thu về cho mình khoản phí dịch vụ tư vấn bất kể cuộc tư vấn đó thành công hay không.

5/5 (1 bầu chọn)