Skip to content

Hiểu đúng về khởi nghiệp và phân biệt với lập nghiệp

20/01/2024557 lượt đọc

Hiểu đúng về "Khởi nghiệp" và "Lập nghiệp" giúp bạn chuẩn bị tốt về nguồn lực, tâm lý, kỹ năng, từ đó định hướng sự nghiệp chính xác và lựa chọn con đường phù hợp với bản thân.

Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, việc xây dựng sự nghiệp trở thành mối quan tâm hàng đầu, đặc biệt đối với giới trẻ. Một phần là vì internet phát triển, tin tức về các doanh nhân trẻ thành công xuất hiện liên tục trên các trang thông tin điện tử khiến họ phải chịu áp lực đồng trang lứa (peer pressure) hơn thế hệ trước. Trong quá trình này, hai khái niệm quan trọng là "khởi nghiệp" và "lập nghiệp" xuất hiện như những hành trình sự nghiệp quan trọng.

Khởi nghiệp - Bắt đầu sự nghiệp từ một ý tưởng sáng tạo

Trước đây, khái niệm “khởi nghiệp” chủ yếu được sử dụng cho các công ty công nghệ, trải qua nhiều biến đổi đến nay đã mở rộng sang các ngành khác như thương mại, nông nghiệp,... Nhắc đến khởi nghiệp thành công, chắc chắn không thể không nhắc đến Bill Gates, tỷ phú luôn nằm trong danh sách những người giàu có nhất thế giới. Từ năm 17 tuổi, ông cùng người bạn Paul Allen đã thành lập công ty phần mềm máy tính nổi tiếng thế giới - Microsoft.

Khởi nghiệp (tên tiếng Anh: Startup) là quá trình bắt đầu và xây dựng sự nghiệp từ việc thành lập doanh nghiệp mới hoặc từ dự án kinh doanh mới. Người khởi nghiệp, hay người sáng lập doanh nghiệp, bắt đầu từ một ý tưởng sáng tạo hoặc giải pháp độc đáo và sau đó thực hiện kế hoạch để biến ý tưởng đó thành hiện thực. 

thanh-lap-cong-ty-thanh-lap-doanh-nghiep1

Quá trình khởi nghiệp thường đi kèm với các thách thức như tìm kiếm vốn đầu tư, xây dựng đội ngũ nhân sự và thử nghiệm với thị trường để đảm bảo sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mục tiêu của công ty khởi nghiệp là sự tăng trưởng, họ cần nhiều vốn để phát triển công ty. Do đó, họ có thể có nhiều vòng gọi vốn khác nhau và phải làm việc với nhiều nhà đầu tư, điều này gây ra nhiều khó khăn cũng như áp lực đối với công ty Startup.

Mục tiêu của khởi nghiệp không chỉ là tạo ra lợi nhuận mà còn là sáng tạo giá trị mới cho thị trường, tạo ra giải pháp đột phá để giải quyết vấn đề trong một ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh cụ thể, và đôi khi có thể thay đổi cách mọi người sống và làm việc. Khởi nghiệp đóng góp tích cực vào sự đổi mới và phát triển kinh tế, các công ty khởi nghiệp trở thành lực lượng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Lập nghiệp - Xây dựng sự nghiệp trong bất kỳ lĩnh vực

Lập nghiệp là quá trình xây dựng và phát triển sự nghiệp cá nhân trong một lĩnh vực cụ thể, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh doanh. Lập nghiệp không nhất định phải là thành lập công ty, mà có thể là phát triển kỹ năng, kinh nghiệm, mối quan hệ để thăng tiến trong một công ty, tổ chức, mở một quán ăn, tiệm cắt tóc,... Đối với người lập nghiệp, mục tiêu chính là tạo ra sự ổn định và tiến triển dài hạn trong sự nghiệp của mình.

Lập nghiệp là một quá trình mang ý nghĩa xây dựng và phát triển sự nghiệp dựa trên sự nỗ lực, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn và quan trọng là lòng quyết tâm. Người lập nghiệp phải có tầm nhìn, kiên nhẫn và khả năng tùy cơ ứng biến tốt để có thể vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội trong sự nghiệp.

thanh-lap-cong-ty-thanh-lap-doanh-nghiep6

Hiểu đúng về lập nghiệp, bạn sẽ dần định hướng con đường, phương pháp để phát triển sự nghiệp không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mà còn đa dạng lĩnh vực hơn nữa; đồng thời tạo ra lợi ích cho sự phát triển cá nhân và sự tự chủ trong cuộc sống hàng ngày.

So sánh khởi nghiệp và lập nghiệp

Tiêu chí

Khởi nghiệp

Lập nghiệp

Hình thức

- Thành lập công ty

- Dự án kinh doanh mới

- Thành lập công ty

- Bắt đầu sự nghiệp trong một công ty, tổ chức

- Mở một quán ăn, tiệm cắt tóc,...

Tính đổi mới

Bắt đầu từ ý tưởng mới, tập trung vào việc sáng tạo, đổi mới để tạo ra giá trị mới cho thị trường và cung cấp giải pháp mới để giải quyết vấn đề

Mô hình kinh doanh không có gì mới lạ, tập trung vào lợi nhuận và sự nghiệp ổn định

Nguồn vốn

Người khởi nghiệp tự bỏ tiền của bản thân, góp vốn với cộng sự, vay từ người quen, vay ngân hàng để thành lập công ty.

Gọi vốn từ các nhà đầu tư hay từ cộng đồng đầu tư, ví dụ các quỹ đầu tư khởi nghiệp (Venture Capital) hay những nhà đầu tư “thiên thần” (angel investors)

Người lập nghiệp tự bỏ tiền của bản thân, góp vốn với cộng sự, vay từ người quen, vay ngân hàng để thành lập công ty, tạo lập địa điểm kinh doanh,...

Rủi ro

Cao hơn vì khởi nghiệp đòi hỏi vốn đầu tư lớn để thử nghiệm ý tưởng và biến ý tưởng thành công việc kinh doanh thực tế

Thấp hơn vì bắt đầu sự nghiệp từ mô hình kinh doanh sẵn có và đã được nhiều người thử nghiệm thành công

Kết luận

Lập nghiệp và khởi nghiệp đều là quá trình phát triển sự nghiệp nhưng chúng tập trung vào các mục tiêu và phương pháp khác nhau. Khởi nghiệp đặt ra mục tiêu tạo ra giá trị mới và giải pháp mới cho thị trường, thường được dùng trong ngữ cảnh kinh doanh và khởi đầu từ con số “0”. Trong khi đó, lập nghiệp mang khía cạnh rộng hơn, liên quan đến việc xây dựng và phát triển một sự nghiệp theo nhiều hướng khác nhau, không giới hạn trong kinh doanh.

5/5 (2 bầu chọn)