Skip to content

Phân loại trang thông tin điện tử

21/01/2024368 lượt đọc

Phân loại trang thông tin điện tử là cơ sở để kiểm soát, quản lý trang web, đảm bảo tuân thủ quy định pháp lý như điều kiện cấp giấy phép trang điện tử, an ninh mạng, bản quyền,... 

Định nghĩa về Trang thông tin điện tử 

Trang thông tin điện tử là gì? Theo khoản 21 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, trang thông tin điện tử được định nghĩa như sau:

 “Trang thông tin điện tử (website) là hệ thống thông tin dùng để thiết lập một hoặc nhiều trang thông tin được trình bày dưới dạng ký hiệu, số, chữ viết, hình ảnh, âm thanh và các dạng thông tin khác phục vụ cho việc cung cấp và sử dụng thông tin trên Internet.”

Trang thông tin điện tử có thể bao gồm nhiều loại nội dung, bao gồm văn bản, hình ảnh, âm thanh, video và các phương tiện truyền thông khác. Mục đích của trang thông tin điện tử có thể rất đa dạng, từ cung cấp thông tin chính thức, giáo dục, giải trí, đến kinh doanh và thương mại điện tử.

Tóm lại, trang thông tin điện tử, còn được gọi là trang web hoặc website, là một không gian trực tuyến chứa đựng các thông tin mà người dùng có thể truy cập thông qua trình duyệt web. Tùy vào loại trang thông tin điện tử, chủ sở hữu sẽ phải đáp ứng đủ điều kiện cấp giấy phép trang điện tử để được cấp giấy phép hoạt động nhằm đảm bảo tính hợp pháp cho website. 

Phân loại trang thông tin điện tử

Căn cứ theo Điều 20 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, trang thông tin điện tử được chia thành 5 loại, bao gồm:

Báo điện tử dưới hình thức trang thông tin điện tử

Báo điện tử dưới hình thức trang thông tin điện tử được thiết lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về báo chí. Căn cứ khoản 6 Điều 3 Luật Báo chí 2016 giải thích: “Báo điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử.”

Ngoài báo giấy, các tòa soạn còn xây dựng báo điện tử để người dân dễ dàng truy cập đọc báo mọi lúc mọi nơi trên internet. Một số trang báo điện tử phổ biến hiện nay bao gồm báo điện tử Nhân Dân, VNExpress (vnexpress.net),VietNamNet (vietnamnet.vn),...

dieu-kien-cap-giay-phep-trang-dien-tu1

Trang thông tin điện tử tổng hợp

Trang thông tin điện tử tổng hợp là “trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó”. (Điều 20 Nghị định 72/2013/NĐ-CP)

Như vậy, nội dung trên những trang thông tin điện tử tổng hợp không phải nội dung gốc tự sản xuất mà sẽ được tổng hợp từ nhiều nguồn, được trích dẫn từ những tờ báo khác. Đồng thời, nội dung trên trang thông tin điện tử tổng hợp phải mang tính khách quan, chính xác và phải được kiểm chứng trước khi đăng lên trang thông tin điện tử tổng hợp.

Ví dụ, trang thông điện tử tổng hợp Báo Mới đăng tải tin tức được tổng hợp, trích dẫn từ nhiều tờ báo khác nhau như Người Lao Động, Công An Nhân Dân,...

Chủ sở hữu trang web phải làm thủ tục cấp Giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp nhằm đảm bảo tính hợp pháp của trang. Muốn vậy thì trước hết chủ sở hữu cũng như website đó cần đáp ứng điều kiện cấp giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp được quy định trong các văn bản pháp luật liên quan như Nghị định 72/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 27/2018/NĐ-CP, Nghị định 122/2021/NĐ-CP,... 

Để tìm hiểu rõ các thủ tục, điều kiện, bạn có thể tham khảo quy trình thủ tục của cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này hoặc tham khảo ý kiến của luật sư.

Trang thông tin điện tử nội bộ

Trang thông tin điện tử nội bộ là “trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề và thông tin khác phục vụ cho hoạt động của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó và không cung cấp thông tin tổng hợp”. (Điều 20 Nghị định 72/2013/NĐ-CP)

Trang thông tin điện tử nội bộ của doanh nghiệp là trang thông tin điện tử không phải cấp phép. Do đó, doanh nghiệp có thể tạo lập trang thông tin điện tử nội bộ mà không cần làm thủ tục cấp phép. 

Việc quản lý trang thông tin điện tử nội bộ phải tuân theo các quy định về đăng ký và sử dụng tài nguyên Internet đã được nêu trong khoản 3 Điều 23 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, được bổ sung bởi điểm c khoản 7 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP; Điều 19 Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

Trang thông tin điện tử cá nhân

Trang thông tin điện tử cá nhân là “trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp”. (Điều 20 Nghị định 72/2013/NĐ-CP)

Ví dụ: Trang Facebook cá nhân của bạn là một trang thông tin điện tử cá nhân.

Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử không cần cấp phép. Cá nhân không phải làm thủ tục xin cấp phép nếu muốn thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân.

Ngoài ra, doanh nghiệp muốn thiết lập mạng xã hội cần đăng ký cấp cấp giấy phép thiết lập mạng xã hội. Giấy phép thiết lập mạng xã hội là giấy phép do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp nếu doanh nghiệp sở hữu trang mạng xã hội đáp ứng đủ điều kiện để trang mạng xã hội đó hoạt động một cách hợp pháp. Để xin giấy phép thiết lập mạng xã hội thì cần chuẩn bị các giấy tờ như Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận tên miền, Hợp đồng thuê máy chủ,...

dieu-kien-cap-giay-phep-trang-dien-tu2

Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành

Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành là “trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, y tế, giáo dục và các lĩnh vực chuyên ngành khác và không cung cấp thông tin tổng hợp”. (Điều 20 Nghị định 72/2013/NĐ-CP)

Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành là một loại trang web được tạo ra với mục đích cung cấp thông tin chuyên sâu và chuyên ngành trong lĩnh vực cụ thể. Các trang thông tin này thường chú trọng vào nhu cầu thông tin của một tập trung đối tượng hoặc ngành nghề cụ thể, cung cấp nội dung đặc biệt để đáp ứng những yêu cầu đặc thù của người đọc.

Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành là trang thông tin điện tử không phải cấp phép theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2014/TT-BTTTT. Nhưng việc quản lý, cung cấp, sử dụng nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành vẫn phải tuân theo quy định của pháp Luật chuyên ngành và các quy định có liên quan.

5/5 (1 bầu chọn)