Skip to content

Những điều kiện cần thiết để thành lập công ty

21/05/20246 lượt đọc

Thành lập một công ty không phải là vấn đề nhỏ do đó có rất nhiều điều mà bạn nên tìm hiểu thật kỹ trước khi bắt đầu để có một khởi đầu thật sự suôn sẻ và thành công.

Một trong những điều mà Luật sư An Việt khuyên bạn nên xem xét kỹ lưỡng đó là điều kiện để thành lập công ty. Vậy điều kiện cần để thành lập công ty là gì? Hãy cùng Luật sư An Việt tìm hiểu qua bài viết này nhé. 

Thành lập công ty là gì?

Thành lập công ty hay còn gọi là thành lập doanh nghiệp là quá trình mà cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu sản xuất hoặc kinh doanh thực hiện những thủ tục pháp lý theo quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm xác định tư cách pháp lý cho công ty của mình và đảm bảo đưa doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh theo quy định và được bảo vệ bởi pháp luật và Nhà nước.

Khi nào nên thành lập công ty ?

Khi nào nên thành lập công ty cũng là băn khoăn của khá nhiều người. Thực tế thì việc thành lập công ty nên được thực hiện khi:

  • Hoạt động kinh doanh của cá nhân, tổ chức đang yêu cầu xuất hóa đơn giá trị gia tăng.
  • Cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh mong muốn có tư cách pháp nhân để thực hiện ký kết các hợp đồng mua bán, hợp đồng sản xuất, hoặc cung ứng dịch vụ hợp pháp…
  • Để hợp pháp hóa hoạt động kinh doanh và tuân thủ những quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.
Thành lập công ty
Thời điểm thành lập công ty

Điều kiện cần thiết để thành lập công ty

Để có thể thành lập công ty theo quy định mới nhất từ Luật doanh nghiệp thì cần đáp ứng được các điều kiện cơ bản sau đây:

1. Các điều kiện chung:

  • Đối với các tổ chức: Phải có tư cách pháp nhân mới đủ điều kiện thành lập công ty.
  • Đối với các cá nhân: Phải đủ 18 tuổi trở lên và cần có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
  • Cá nhân, tổ chức nêu trên không thuộc nhóm đối tượng bị cấm thành lập công ty được quy định cụ thể tại Điều 17 của Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14.

Những điều kiện về tên công ty:

  • Tên công ty cần có 2 thành tố: Loại hình doanh nghiệp + tên riêng.
    Ví dụ: Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Một Thành Viên An Việt. Trong đó Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Một Thành Viên là loại hình doanh nghiệp; An Việt là tên riêng của doanh nghiệp.
  • Tên công ty phải được gắn tại địa chỉ kinh doanh, trụ sở, văn phòng đại diện và chi nhánh kinh doanh.
  • Tên công ty phải được ghi rõ ràng và minh bạch trên mọi hồ sơ, tài liệu, ấn phẩm hoặc mọi loại giấy tờ giao dịch của công ty.
  • Tên công ty không được vi phạm về văn hóa, thuần phong mỹ tục hoặc các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.
  • Tên công ty không được phép vi phạm những quy định về cách đặt tên doanh nghiệp được quy định tại Điều 38 của Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14.

Địa chỉ công ty: Cần cụ thể, chính xác để dễ dàng khi tiến hành giao dịch và hoạt động kinh doanh, không thuộc các căn chung cư để ở.

Vốn điều lệ: Khi thành lập công ty chủ doanh nghiệp cần phải xác định được số vốn điều lệ để đăng ký kinh doanh. Vốn điều lệ tức là số vốn do chủ doanh nghiệp sở hữu hoặc hoặc vốn do các cổ đông góp và phải được ghi rõ ràng, minh bạch tại Điều lệ công ty.

Ngành nghề kinh doanh: Ngành nghề mà công ty đăng ký kinh doanh phải nằm trong khuôn khổ mà pháp luật Việt Nam hiện hành cho phép và phải đáp ứng đủ những điều kiện cần thiết tùy theo ngành nghề (nếu có).

Loại hình công ty: Chủ doanh nghiệp phải cân nhắc và lựa chọn loại hình công ty cho phù hợp. Để chọn được loại hình công ty thì chủ doanh nghiệp có thể dựa vào các tiêu chí như: Nghĩa vụ thuế, tính pháp lý, chuyển nhượng, bổ sung, thay thế và quy mô của doanh nghiệp.

2. Các điều kiện áp dụng với từng loại hình công ty khác nhau:

  • Thành lập Công ty cổ phần: Đây là loại hình doanh nghiệp cổ phần yêu cầu phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp.
  • Thành lập Công ty TNHH một thành viên: Với loại hình này thì thành viên duy nhất của công ty phải có Giấy cam kết góp vốn bằng văn bản.
  • Thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Loại hình công ty này sẽ có hai thành viên trở lên (tùy theo quy mô doanh nghiệp) phải có Giấy cam kết góp vốn bằng văn bản.
thành lập công ty
Điều kiện áp dụng cho từng loại hình công ty

Lưu ý những gì khi thành lập công ty giai đoạn 2024 - 2025?

1. Lưu ý về ngành nghề kinh doanh

Khi muốn thành lập công ty thì chủ doanh nghiệp cần lưu ý đến ngành nghề kinh doanh mà công ty của mình hoạt động. Hiện nay, một số ngành nghề kinh doanh có những yêu cầu đặc biệt ví dụ như: Yêu cầu về giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy xác nhận vốn pháp định,...Nếu thuộc các ngành nghề yêu cầu phải có các loại giấy này thì doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện để tuân thủ đúng quy định của luật kinh doanh hiện hành.

2. Thực hiện thủ tục thuế ban đầu

Sau khi hoàn tất các thủ tục kinh doanh thì chủ doanh nghiệp cũng cần phải thực hiện thủ tục thuế ban đầu.

3. Kiểm tra thông tin đăng ký doanh nghiệp trên cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia

Khi hoàn tất các thủ tục đăng ký kinh doanh, chủ doanh nghiệp nên kiểm tra thông tin đã đăng ký trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia và đối chiếu với thông tin của doanh nghiệp được in trên giấy phép kinh doanh, nếu phát hiện sai sót cần kịp thời điều chỉnh ngay.

4. Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh online

Hiện nay, chủ doanh nghiệp cũng có thể nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh online thông qua cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia https://dangkykinhdoanh.gov.vn. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, công sức. Tuy nhiên cần lưu ý nhập thông tin chính xác, tránh sai sót về sau. 

Bên trên là chia sẻ của Luật sư An Việt về những điều kiện cần thiết để thành lập công ty. Hy vọng bài viết đã đem đến cho bạn những thông tin thực sự hữu ích và giúp bạn đăng ký thành lập công ty thành công cũng như khởi đầu kinh doanh sản xuất thuận lợi, hồng phát.

5/5 (1 bầu chọn)