Khi hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp gặp phải các khó khăn hoặc cần thời gian để tái cấu trúc, tạm ngừng hoạt động kinh doanh sẽ là giải pháp hợp lý mà doanh nghiệp có thể cân nhắc, áp dụng. Hãy cùng Luật Sư An Việt tìm hiểu chi tiết hơn về thủ tục này với bài viết sau nhé.
Tổng quan về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Theo quy định tại khoản 1, Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, tạm ngừng hoạt động kinh doanh có thể được hiểu là tình trạng pháp lý của một doanh nghiệp đang trong thời gian tạm dừng thực hiện tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp có thể đăng ký thủ tục tạm ngừng hoạt động trong những trường hợp như:
- Gặp khó khăn về tài chính, không đủ nguồn lực để tiếp tục hoạt động một cách ổn định, cần giải pháp tạm thời để điều chỉnh.
- Đối mặt với môi trường kinh doanh không thuận lợi như suy thoái kinh tế, biến động thị trường, dịch bệnh hoặc những thay đổi về chính sách kinh doanh,... khiến việc tiếp tục hoạt động kinh doanh khó khăn hoặc không hiệu quả.
- Cần thời gian để sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị hoặc thay đổi cấu trúc hoạt động, mô hình kinh doanh.
- Đang cần thực hiện các thủ tục giải thể, sáp nhập, chia tách hoặc chuyển đổi loại hình công ty.
Với những trường hợp này, việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh có thể giúp doanh nghiệp bảo vệ tài sản, giảm thiểu chi phí hoạt động và có thời gian để chuẩn bị cho các kế hoạch kinh doanh tiếp theo. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần lưu ý, việc tạm ngừng kinh doanh cũng có thể ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu trên thị trường, thị phần cũng như phát sinh những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 67 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp cũng có thể bị tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, với những doanh nghiệp đăng ký kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc các ngành, nghề thực hiện tiếp cận thị trường có điều kiện với các nhà đầu tư nước ngoài có thể bị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh nếu không đáp ứng các điều kiện được pháp luật quy định.
Hồ sơ khi thực hiện thủ tục tạm ngừng hoạt động đối với doanh nghiệp
Để đăng ký tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp cần chuẩn bị các hồ sơ như sau:
- Thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh (tham khảo theo mẫu tại Phụ lục số II-19, Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT).
- Quyết định/nghị quyết về việc tạm ngừng hoạt động.
- Bản sao biên bản họp về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh (của Hội đồng thành viên nếu là loại hình công ty hợp danh và TNHH 2 thành viên trở lên; của HĐQT đối với loại hình công ty cổ phần; của chủ sở hữu công ty nếu là công ty TNHH 1 thành viên).
Trình tự đăng ký tạm ngừng hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp
Trình tự tiến hành đăng ký tạm ngừng hoạt động kinh doanh được quy định cụ thể tại Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Đầu tiên, doanh nghiệp cần thực hiện gửi thông báo ít nhất 03 ngày trước ngày bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Thông báo được gửi đến Phòng đăng ký kinh doanh - nơi doanh nghiệp đặt trụ sở với các nội dung:
- Tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp, ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (có thể thay thế bằng những giấy tờ khác mang tính chất tương đương).
- Thời hạn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh (nêu ngày bắt đầu và ngày kết thúc).
- Lý do tạm ngừng hoạt động.
Kèm theo thông báo trên, doanh nghiệp cần nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký tạm ngừng hoạt động. Sau khi Phòng đăng ký kinh doanh nhận được hồ sơ, cơ quan này sẽ thực hiện xử lý trong thời hạn 03 ngày làm việc. Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lý, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ gửi Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo cần sửa đổi, bổ sung.
Cần lưu ý, thời hạn đăng ký tạm ngừng kinh doanh không được quá 01 năm và doanh nghiệp có thể thực hiện việc gia hạn nếu thấy cần thiết cho năm tiếp theo.
Thời điểm doanh nghiệp được chuyển tình trạng thành tạm ngừng kinh doanh được tính kể từ ngày doanh nghiệp ấy bắt đầu đăng ký tạm ngừng kinh doanh theo quy định của pháp luật. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý tạm ngừng kinh doanh này được xác định là ngày kết thúc theo thời hạn mà doanh nghiệp đã thông báo tạm ngừng kinh doanh hoặc là ngày mà doanh nghiệp thực hiện đăng ký tiếp tục kinh doanh (nếu việc kết thúc trước thời hạn mà doanh nghiệp đã thông báo).
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên từ Luật Sư An Việt sẽ giúp ích cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh một cách thuận lợi, hiệu quả nhất. Ngoài ra, nếu cần tư vấn chi tiết hơn trong các thủ tục liên quan, quý khách hàng có thể liên hệ cùng chúng tôi ngay hôm nay.