Skip to content

Các điều cần làm khi thực hiện chuyển đổi loại hình công ty

06/05/202448 lượt đọc

Khi chuyển đổi loại hình công ty, 4 điều cần làm gồm quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, thông báo việc thay đổi đến các bên hữu quan, cập nhật thay đổi thông tin tài sản, thay đổi con dấu doanh nghiệp.

Quá trình chuyển đổi loại hình công ty không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc, hoạt động của doanh nghiệp mà còn tác động đến quan hệ với cổ đông, các bên liên quan, nghĩa vụ với cơ quan nhà nước,.... Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm qua các điều cần làm khi thay đổi loại hình công ty nhé.

4 điều cần làm khi chuyển đổi loại hình công ty

Song song với quá trình chuyển đổi loại hình công ty, doanh nghiệp còn cần lưu ý đến nhiều vấn đề liên quan khác nhằm đảm bảo quá trình hoạt động tiếp đó diễn ra thuận lợi, không phát sinh những gián đoạn ngoài ý muốn cũng như không gây ra những bất cập liên quan. Trong đó, 4 điều cần lưu tâm và thực hiện ngay khi thay đổi loại hình công ty bao gồm:

1. Quyết toán thuế TNDN

Khi thực hiện quá trình thay đổi loại hình, doanh nghiệp cần phải tiến hành quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với loại hình công ty hiện tại (công ty trước khi tiến hành chuyển đổi). Điều này nhằm đảm bảo tất cả các nghĩa vụ thuế được giải quyết hoàn tất khi doanh nghiệp chuyển sang loại hình công ty mới. 

Thời hạn thực hiện nộp hồ sơ kê khai thuế TNDN chậm nhất là 45 ngày (tính từ thời điểm doanh nghiệp nhận được quyết định chuyển đổi loại hình công ty). 

Tuy nhiên, với trường hợp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi loại hình công ty từ công ty cổ phần sang công ty TNHH hoặc ngược lại, đồng thời công ty sau khi chuyển đổi kế thừa tất cả những nghĩa vụ thì có thể không cần thực hiện thủ tục quyết toán thuế TNDN này. 

chuyen-doi-loai-hinh-cong-ty-can-lam-gi_(2).jpg (122 KB)
Doanh nghiệp cần quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp

2. Thông báo về việc chuyển đổi loại hình công ty đến các bên liên quan 

Việc thông báo kịp thời và đầy đủ thông tin sau khi chuyển đổi loại hình công ty sẽ giúp các bên liên quan nắm bắt, cập nhật được những thay đổi của doanh nghiệp, tiến hành điều chỉnh các hoạt động giao dịch, thủ tục, quy trình hợp tác,... cho phù hợp. Trong đó, các bên liên quan cần thông báo về việc thay đổi này bao gồm: 

  • Các cơ quan nhà nước: cơ quan thuế, ngân hàng, cơ quan quản lý chuyên ngành,...
  • Đối tác, khách hàng.
  • Người lao động.

3. Cập nhật thay đổi thông tin các tài sản

Sau khi thực hiện thay đổi loại hình công ty, doanh nghiệp cũng cần phải cập nhật thông tin về các tài sản đã được đăng ký sở hữu dưới danh nghĩa doanh nghiệp. Trong đó, cần: 

  • Đăng ký cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, thực hiện thay đổi những thông tin của chủ xe (nếu có). 
  • Thực hiện đăng ký biến động đất đai, nhà ở cùng các tài sản khác gắn liền với đất đối (nếu có). 

Việc cập nhật thông tin tài sản một cách chính xác sẽ giúp đảm bảo quyền sở hữu và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp về sau. 

4. Thay đổi con dấu

Luật Doanh nghiệp 2020 không quy định về việc doanh nghiệp phải thông báo mẫu con dấu sử dụng với phòng Đăng ký kinh doanh. Quyền quyết định nội dung con dấu thuộc về doanh nghiệp, không bắt buộc phải đầy đủ mã số doanh nghiệp, tên doanh nghiệp như trước. 

Thế nhưng, trên thực tế, con dấu của các doanh nghiệp hiện nay vẫn thể hiện phần thông tin này. Do vậy, nếu con dấu hiện tại có ghi nhận tên doanh nghiệp trước khi thực hiện chuyển đổi loại hình công ty, doanh nghiệp nên kết hợp thay đổi mẫu con dấu để tránh gây nhầm lẫn, đảm bảo sự đồng nhất trong các giao dịch liên quan. 

chuyen-doi-loai-hinh-cong-ty-can-lam-gi_(3).jpg (71 KB)
Thay đổi con dấu doanh nghiệp

Các câu hỏi thường gặp thi thực hiện chuyển đổi loại hình công ty

Một số thắc mắc thường gặp khi thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp bao gồm:

Loại hình công ty nào phù hợp với doanh nghiệp của bạn khi chuyển đổi?

Việc lựa chọn loại hình công ty phù hợp khi tiến hành thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: số lượng thành viên sáng lập, mục tiêu chuyển đổi, định hướng chiến lược của doanh nghiệp,...

Các câu hỏi mà doanh nghiệp cần giải đáp lúc này bao gồm: 

  • Doanh nghiệp muốn huy động vốn đầu tư, mở rộng thị trường, nâng cao uy tín thương hiệu hay đơn giản hóa việc quản lý?
  • Doanh nghiệp có tối thiểu 3 thành viên sáng lập để thành lập công ty cổ phần hay chỉ có 1 thành viên để thành lập công ty TNHH 1 thành viên?
  • Doanh nghiệp muốn áp dụng mô hình quản trị tập trung hay hướng tới sự linh hoạt? 

Mã số thuế doanh nghiệp có bị thay đổi khi chuyển đổi loại hình công ty không?

Không. Theo điểm đ, khoản 3 Điều 30, Luật Quản lý thuế 2019 quy định, mã số thuế của doanh nghiệp sau khi thực hiện chuyển đổi loại hình sẽ được giữ nguyên. 

Chi phí chuyển đổi loại hình công ty là bao nhiêu?

Việc chuyển đổi loại hình công ty thuộc trường hợp đăng ký cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Khoản chi phí này là 50.000đ/lần. 

Loại hình doanh nghiệp nào hiện nay không được phép thực hiện chuyển đổi?

Công ty hợp danh không được thực hiện chuyển đổi thành các loại hình doanh nghiệp khác. Ngoài ra, công ty TNHH cũng không được thực hiện chuyển đổi thành công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân.

Chuyển đổi loại hình công ty cần tiến hành nhiều thủ tục liên quan nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy trình theo quy định của pháp luật. Với những thông tin trên đây, Luật Sư An việc hy vọng bạn đã có thêm thông tin hữu ích và chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc chuyển đổi, giúp quá trình diễn ra suôn sẻ, đáp ứng đúng mục tiêu mà doanh nghiệp đang hướng tới. 

5/5 (1 bầu chọn)