Skip to content

Những thương vụ mua bán và sáp nhập công ty (M&A) đáng chú ý tại Việt Nam

17/01/2024758 lượt đọc

Trong 10 năm gần đây, xu hướng mua bán sáp nhập công ty đang trở nên ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Những thương vụ này đã mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thai Beverage và Bia Sài Gòn (Sabeco)

Năm 2017, ThaiBev Holding (ThaiBev) chi gần 110.000 tỷ đồng (gần 5 tỷ USD) để sở hữu gián tiếp 53,59% cổ phần của Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Thương vụ mua bán sáp nhập công ty này trị giá cũng là thương vụ M&A lớn nhất ngành bia châu Á. Tuy nhiên, thương vụ này cũng gặp phải nhiều vấn đề pháp lý, đặc biệt là cách để một pháp nhân nước ngoài (ThaiBev - thương hiệu của Thái Lan) có quyền chi phối một công ty kinh doanh trong lĩnh vực hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

VinCommerce và VinEco thuộc Vingroup sáp nhập vào Masan Group

Năm 2019, Vingroup công bố rút khỏi mảng bán lẻ, nông nghiệp và quyết định chuyển nhượng hệ thống VinCommerce (chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+) và Công ty VinEco cho Masan Group. 

Theo thỏa thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (bán lẻ),Công ty VinEco (nông nghiệp),Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để hướng tới mục tiêu thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Cụ thể, ngày 12/6/2020, HĐQT Masan Group (MSN) đã ra nghị quyết thành lập Công ty TNHH The Sherpa và thành lập Công ty cổ phần CrownX nhằm hoàn tất "giao dịch hợp nhất" giữa CTCP phát triển và thương mại Dịch vụ Vincommerce (VCM) và Công ty TNHH Masan Consumer Holdings (MCH).

Trong đó, CrownX nắm giữ 83,74% cổ phần của VinCommerce (VCM) - công ty sở hữu hệ thống VinMart, VinMart+, VinEco và 85,71% phần vốn góp tại Masan Consumer Holdings (mã MCH). Tại CrownX, Masan Group nắm quyền kiểm soát hoạt động, còn Vingroup giữ vai trí cổ đông.

Việc sáp nhập công ty không chỉ đem lại mạng lưới phân phối cho Masan mà cũng góp phần không nhỏ vào việc củng cố chiến lược phát triển tập trung cho mảng công nghiệp và công nghệ của Vingroup trong thời gian sắp tới.

Central Group mua lại Big C Việt Nam

Năm 2016, Central Group đã mua lại Big C Việt Nam với giá 1.14 tỷ USD để sở hữu thương hiệu này. Central Group là tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong nhiều ngành, chủ yếu là bán lẻ và dịch vụ, có trụ sở chính tại Bangkok, Thái Lan. 

Thời điểm đó, Big C Việt Nam có 43 siêu thị và 30 trung tâm mua sắm, đồng thời tạo dựng được mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp, khách hàng, chính quyền địa phương và cả cộng đồng trong và ngoài nước. Do đó, việc mua lại Big C là một trong những bước đi quan trọng trong chiến lược của Central Group nhằm mở rộng mạng lưới phát triển trong khu vực Asean.

TCC Holdings và Metro Việt Nam

Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro) gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2002, tập trung vào phân khúc bán buôn trong khi những đối thủ chính như Saigon Coop, Big C lại chuyên về bán lẻ. 

Ngày 7/1/2016, Tập đoàn bán lẻ Metro AG của Đức đã hoàn tất bán công ty Metro Cash & Carry Việt Nam cho Tập đoàn TCC Holdings của Thái Lan. Tổng giá trị thương vụ là 710 triệu USD. Tại thời điểm thương vụ hoàn tất, Metro Việt Nam sở hữu hệ thống 19 siêu thị và nhiều bất động sản có liên quan.

Sau thương vụ mua lại và sáp nhập công ty, ngày 25/1/2016, Công ty TNHH Metro Cash&Carry đã tiến hành thay đổi giấy đăng ký kinh doanh để đổi tên thành Công ty TNHH MM Mega.

GIC Private Limited và Vinhomes

GIC Private Limited là một quỹ tài sản quốc gia của Singapore, được thành lập vào năm 1981, quản lý các dự trữ ngoại hối của nước này. GIC đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau trên toàn thế giới, từ nợ chính phủ đến cơ sở hạ tầng.

Vinhomes là công ty con của Vingroup, chuyên về đầu tư, kinh doanh và quản lý bất động sản tại Việt Nam. Vào tháng 4 năm 2018, GIC Private Limited đã thực hiện một thương vụ đầu tư đáng chú ý vào Vinhomes. GIC cam kết đầu tư tổng cộng 1.3 tỷ USD, tương đương khoảng 29.500 tỷ đồng, thông qua việc mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp khoản vay để hỗ trợ các dự án của Vinhomes.

GIC đã mua khoảng 7% cổ phần của Vinhomes vào năm 2018 với giá 850 triệu USD khi Vingroup chào bán cổ phần lần đầu của công ty con này. Ngoài ra, mua cổ phần của Vinhomes, GIC cũng đã mua một khoản cổ phần trong Vinmec, đơn vị y tế của Vingroup, với giá trên 200 triệu USD vào tháng 12 năm 2020.

SHB bán SHB Finance cho một ngân hàng Thái Lan

Vào cuối tháng 8, Ngân hàng Thương mại Sài Gòn-Hà Nội (SHB) có trụ sở tại Hà Nội đã đạt được thỏa thuận chuyển nhượng 50% cổ phần SHB Finance cho Ngân hàng Đại chúng Ayudhya của Thái Lan (Krungsri) và 50% vốn còn lại trong ba năm tới. Đây không chỉ là một vụ chuyển nhượng cổ phần mà còn mở ra cơ hội hợp tác chiến lược và mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính.

Mặc dù chi tiết của thỏa thuận không được tiết lộ, nhưng có thông tin cho rằng Krungsri sẽ phải bỏ ra khoảng 156 triệu USD (3,5 nghìn tỷ đồng) cho thương vụ này. Qua đó, Krungsri sẽ có cơ hội tiếp cận và tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam thông qua SHB Finance. Đồng thời, thương vụ này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho SHB tận dụng nguồn vốn mới.

Tóm lại, thỏa thuận này không chỉ tạo ra nguồn lực tài chính mà còn mở ra cơ hội hợp tác chiến lược và phát triển kinh doanh cho cả SHB Finance và Krungsri, cũng như có thể tạo ra những liên minh đáng chú ý trong ngành tài chính Việt Nam.

Thương vụ M&A (Mergers and Acquisitions) không chỉ đơn thuần là việc mua bán cổ phần hay sáp nhập công ty mà còn là một quá trình kỳ công và chiến lược, mang lại những thay đổi sâu sắc và tầm quan trọng đối với các bên tham gia.

Tuy nhiên, thành công của một thương vụ M&A không chỉ dừng lại ở việc hoàn tất giao dịch mà còn phụ thuộc vào quá trình tích hợp hiệu quả giữa hai tổ chức và khả năng tạo ra giá trị gia tăng.

5/5 (3 bầu chọn)