Skip to content

Những thương vụ mua bán và sáp nhập công ty (M&A) nổi tiếng trên thế giới

17/01/2024455 lượt đọc

Trong lĩnh vực kinh doanh và tài chính, thương vụ mua bán và sáp nhập công ty (M&A) được coi là những dấu mốc quan trọng trong sự phát triển và thay đổi của các doanh nghiệp trên toàn cầu.

M&A là tên viết tắt của cụm từ Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại),gọi chung là hoạt động mua bán sáp nhập (M&A). Những thương vụ mua bán và sáp nhập công ty nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn tới cả thị trường và nền kinh tế.

Từ những thương vụ gây chấn động trong ngành công nghệ, những thương vụ kỷ lục về giá trị giao dịch, cho đến những thương vụ mang tính biểu tượng và thay đổi cả cục diện kinh doanh, chúng ta sẽ điểm qua những cái tên đáng chú ý và những câu chuyện đằng sau những thương vụ này.

1. Elon Musk mua lại Twitter

Thương vụ Elon Musk mua lại Twitter với giá trị 44 tỉ USD đã thu hút sự chú ý của cả giới công nghệ. Sau nhiều lần trì hoãn, Musk đã tái khởi động chiến dịch mua lại Twitter vào tháng 4/2022 và hoàn thành thương vụ vào tháng 10/2022.

Elon Musk, nhà sáng lập và CEO của các công ty nổi tiếng như Tesla và SpaceX, tuyên bố rằng ông muốn "giúp nhân loại" cải thiện quyền tự do ngôn luận thông qua việc sở hữu Twitter - một nền tảng mạng xã hội với trụ sở tại San Francisco, được thành lập vào năm 2006 bởi Jack Dorsey, Noah Glass, Biz Stone và Evan Williams.

Số tiền chi cho thương vụ này là tổng cộng 44 tỉ USD, với phần lớn số tiền được Elon Musk thu được từ việc bán cổ phần Tesla của mình. Điều này đã gây ra sự giảm giá trị vốn hoá của Tesla lên tới 700 tỉ USD so với thời kỳ đỉnh cao vào cuối năm trước đó.

Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động dài hạn của việc Elon Musk mua lại Twitter. Tuy nhiên, rõ ràng là ông có những kế hoạch quan trọng cho nền tảng này và thúc đẩy Twitter trở thành một nơi thảo luận tự do và mở cửa rộng rãi hơn.

Động thái đầu tiên đó là vào ngày 24/7/2023, Twitter bắt đầu thay thế thế logo con chim màu xanh đã tồn tại cả thập kỷ thành logo "X" do người hâm mộ thiết kế. Đồng thời, Musk đã chuyển đổi tên công ty của Twitter thành X Corp, một công ty con của X Holding Corp.

2. Thomson (Canada) đã mua hãng tin Reuters (Anh) với giá trên 17 tỷ USD

Ngày 15/5/2007, Tập đoàn xuất bản Thomson Corp (Canada) đã đồng ý mua lại tập đoàn tuyền thông Reuters Group Plc (Anh) với giá 8,7 tỷ bảng (tương đương 17,2 tỷ USD). Hai tập đoàn này sẽ sáp nhập thành tập đoàn mở rộng Thomson-Reuters, tạo nên một tập đoàn truyền thông và thông tin tài chính hàng đầu thế giới. Hãng Reuters đang kiểm soát 23% thị trường thông tin tài chính của thể giới và hãng Thomson kiểm soát 11% thị trường này.

Do đó, sau khi sáp nhập, Thomson-Reuters sẽ kiểm soát khoảng 34% thị trường thông tin tài chính của thế giới, vượt qua đối thủ cạnh tranh Bloomberg hiện đang kiểm soát khoảng 33% thị trường thông tin tài chính toàn cầu.

3. Sony Ericsson sáp nhập vào Tập đoàn Sony 

Sony Ericsson là công ty liên doanh giữa Sony (Nhật Bản) và Ericsson (Thụy Điển) được thành lập vào năm 2001. Tại thời điểm đó, sự kết hợp giữa công nghệ âm thanh và công nghệ điện thoại của hai thương hiệu này được nhiều người mong đợi sẽ tạo ra sản phẩm công nghệ bùng nổ. Tuy nhiên, dù tạo được tiếng vang trong thời gian đầu, nhưng kể từ khi iPhone xuất hiện thì các dòng sản phẩm điện thoại Sony Ericsson đã nhanh chóng bị người tiêu dùng lãng quên. 

Năm 2011, Sony và Ericsson kết thúc mối quan hệ hợp tác. Sony đã chi tới 1,47 tỷ USD để mua lại toàn bộ cổ phần của đối tác trong liên minh sản xuất điện thoại Sony Ericsson và sáp nhập công ty Sony Ericsson vào tập đoàn. Theo đó, thương hiệu Sony Ericsson sẽ trở thành một chi nhánh của tập đoàn Sony, đổi tên thành Sony Mobile Communications và chính thức sáp nhập vào bộ phận các sản phẩm điện tử dân dụng kết nối mạng của Sony.

4. Tập đoàn Oracle mua Công ty Siebel với giá 5,85 tỷ USD

Một thương vụ sáp nhập và mua lại khác có hiệu quả đầu tư mạnh mẽ và tầm nhìn chiến lược là khi Tập đoàn Oracle mua lại Công ty Siebel, nhà cung cấp phần mềm CRM (quản lý quan hệ khách hàng) với giá 5,85 tỷ USD. Mục tiêu của thương vụ này là để hợp nhất và tăng cường khả năng tích hợp giữa các ứng dụng và dữ liệu của các sản phẩm, từ đó cung cấp hỗ trợ tối ưu cho quản lý và hỗ trợ khách hàng nhanh chóng hơn. Với chiến lược mua lại và sáp nhập công ty, Oracle đã giành được thị phần từ đối thủ SAP.

Việc mua lại Siebel đã giúp Oracle mở rộng dịch vụ quản lý quan hệ khách hàng của mình và tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường phần mềm. Sau khi hợp nhất, hai công ty đã tạo ra một nền tảng phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (CRM) tiên tiến, được tích hợp với các giải pháp phần mềm khác của Oracle. Đồng thời, Oracle cũng có thể tận dụng khách hàng của Siebel để bán các sản phẩm phần mềm khác của mình.

Tuy nhiên, thương vụ này cũng không tránh khỏi những khó khăn. Sau khi mua lại Siebel, Oracle phải đối mặt với việc tích hợp các sản phẩm và công nghệ từ hai công ty khác nhau. Để giải quyết vấn đề này, Oracle đã đầu tư nhiều vào nghiên cứu và phát triển để hỗ trợ tích hợp các sản phẩm và dữ liệu.

5. Thương vụ M&A giữa Volkswagen - Porsche

Thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A) giữa Volkswagen và Porsche đã mang lại cuộc hợp tác đáng chú ý trong ngành công nghiệp ô tô Châu Âu. Hai hãng xe hơi Đức này đã tiến hành thỏa thuận sáp nhập, với mục tiêu trở thành một tập đoàn ô tô hàng đầu tại Châu Âu.

Một điều thú vị là ban đầu Porsche mới là công ty nỗ lực giành quyền kiểm soát Volkswagen và đã sở hữu 51% cổ phần của tập đoàn ô tô Đức này, thậm chí còn đặt mục tiêu đưa con số này lên 75%. Mọi thứ có vẻ khả quan cho đến năm 2008 thị trường tài chính suy thoái khiến Porsche lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì không thể trả các khoản vay dùng để mua cổ phiếu Volkswagen.

Lúc này, Volkswagen quyết định thâu tóm Porsche thông qua việc mua lại các cổ phiếu mà Porsche nắm giữ. Cuối năm 2009, Volkswagen đã mua 49,9% cổ phần của Porsche với giá gần 4,9 tỉ USD trong giai đoạn đầu của thỏa thuận, và từng bước thực hiện quy trình mua bán và sáp nhập toàn bộ Porsche AG. Đến tháng 8/2012 đã hoàn thành 50,1% còn lại với tổng giá trị cho cả hai lần là gần 8,4 tỷ Euro, nâng tổng số cổ phiếu do Volkswangen sở hữu lên 100%.

Tổng kết

Qua việc tìm hiểu và đánh giá các thương vụ mua lại và sáp nhập công ty nổi tiếng, chúng ta có thể nhìn thấy những yếu tố quyết định thành công của một thương vụ, những lợi ích và thách thức mà M&A mang lại và những xu hướng phát triển trong lĩnh vực này.

5/5 (2 bầu chọn)