Skip to content

Hiểu đúng về giải thể và phân biệt với phá sản

28/11/2023217 lượt đọc

Phá sản và giải thể đều là hai hình thức chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp. Vậy khi nào doanh nghiệp được xác định là giải thể hay phá sản theo quy định của pháp luật?

Phá sản và giải thể doanh nghiệp là những thủ tục pháp lý phức tạp và không doanh nghiệp nào mong muốn xảy ra trong kinh doanh. Tuy nhiên, để hiểu đúng về giải thể và phá sản thì doanh nghiệp cần phải phân biệt được giải thể với phá sản nhằm có sự chuẩn bị chu toàn nhất và không bị vi phạm pháp luật. 

Điểm chung giữa phá sản và giải thể doanh nghiệp

Điểm giống nhau giữa phá sản và giải thể
Điểm giống nhau giữa phá sản và giải thể

Đều dẫn đến việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp

Điểm chung lớn nhất giữa phá sản và giải thể doanh nghiệp là cả hai thủ tục này đều dẫn đến kết quả chấm dứt hoạt động của một doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp của bạn chấm dứt hoạt động thì doanh nghiệp không được tiếp tục hoạt động kinh doanh, ví dụ như không thể tiếp tục bán hàng, cung cấp dịch vụ hoặc thực hiện giao dịch thương mại.

Đều bị thu hồi con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản thì các cơ quan quản lý có thẩm quyền sẽ thu hồi con dấu và giấy chứng nhận đăng ký của doanh nghiệp, chấm dứt tư cách pháp nhân của doanh nghiệp đó.

Đều phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản  

Dù giải thể hay phá sản thì doanh nghiệp đều phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản như trả nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết,...

Phân biệt giải thể với phá sản doanh nghiệp

Khái niệm

- Giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp theo ý chí chủ quan của doanh nghiệp (tự nguyện giải thể) hoặc bị giải thể theo quy định của pháp luật (bắt buộc giải thể).

- Phá sản là tình trạng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. (Theo khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014)

Nguyên nhân

Giải thể doanh nghiệp: 

Theo Điều 207 Luật doanh nghiệp 2020, các nguyên nhân dẫn đến trường hợp giải thể doanh nghiệp bao gồm:

Trường hợp tự nguyện giải thể:

  • Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn
  • Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần

Trường hợp doanh nghiệp bị buộc giải thể:

  • Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
  • Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác

Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. 

Phá sản doanh nghiệp

Doanh nghiệp được công nhận là phá sản thay vì giải thể khi đồng thời thỏa mãn 02 điều kiện sau:

  • Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán các khoản nợ, tức là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
  • Doanh nghiệp bị Tòa án nhân dân tuyên bố phá sản

Như vậy, doanh nghiệp không thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán thì áp dụng luật phá sản. Khi hết thời hạn 03 tháng, doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, Tòa án nhân dân mở thủ tục phá sản cho doanh nghiệp.

Việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán bao gồm 02 trường hợp:

  • Trường hợp 1: Không có tài sản để thanh toán các khoản nợ;
  • Trường hợp 2: Có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ.

Điều kiện

  • Điều kiện giải thể
Giải thể
Giải thể

Điều kiện để doanh nghiệp được phép giải thể là phải bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp. Vì vậy, trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, các chủ nợ sẽ được doanh nghiệp thanh toán đầy đủ các khoản nợ theo thứ tự pháp luật quy định.

  • Điều kiện phá sản
Phá sản
Phá sản

Bản chất của phá sản là do không thanh toán được nợ. Do đó, doanh nghiệp không thể bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác khi đến hạn thanh toán thì áp dụng luật phá sản. Các chủ nợ sẽ được thanh toán các khoản nợ theo thứ tự luật định trên cơ sở số tài sản còn lại của doanh nghiệp, trừ trường hợp đối với chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh.

Người có quyền nộp đơn yêu cầu

- Những người có quyền nộp đơn yêu cầu giải thể doanh nghiệp, bao gồm các đối tượng sau:

  • Chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân
  • Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần
  • Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH
  • Tất cả các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh

Trong trường hợp giải thể tự nguyện thì các đối tượng trên có quyền nộp đơn yêu cầu giải thể doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Tùy theo loại hình công ty mà trình tự làm thủ tục giải thể công ty sẽ khác nhau. Với doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp có quyền làm đơn yêu cầu giải thể doanh nghiệp. Với công ty cổ phần thì cần triệu tập họp đại hội đồng cổ đông để thông qua nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp, sau đó người đại diện theo pháp luật đến nộp đơn yêu cầu giải thể. 

- Những người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán bao gồm:

  • Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
  • Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
  • Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. 
  • Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

Chủ thể có thẩm quyền giải quyết

- Giải thể: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp (chủ doanh nghiệp, đại hội đồng cổ đông…) có quyền yêu cầu, ra quyết định giải thể doanh nghiệp.

- Phá sản: Tòa án ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.

Loại thủ tục

- Phá sản là một loại thủ tục tư pháp do Tòa án có thẩm quyền quyết định sau khi nhận được đơn yêu cầu hợp lệ, được tiến hành theo những trình tự, thủ tục được quy định trong Luật Phá sản 2014.

- Giải thế là một loại thủ tục hành chính thực hiện theo Luật doanh nghiệp, nộp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thứ tự thanh toán tài sản

- Thứ tự thanh toán khi doanh nghiệp giải thể lần lượt là:

  • Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết
  • Nợ thuế
  • Các khoản nợ khác
  • Sau khi đã thanh toán chi phí giải thể doanh nghiệp và các khoản nợ, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.

- Thứ tự thanh toán khi doanh nghiệp phá sản được tiến hành như sau:

  • Chi phí phá sản
  • Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết
  • Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
  • Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
  • Sau khi đã thanh toán hết các khoản trên mà vẫn còn tài sản thì phần còn lại này thuộc về: chủ doanh nghiệp tư nhân; chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần; thành viên của công ty hợp danh.
  • Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Trình tự thủ tục

- Trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp:

  1. Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp 

  2. Tiến hành tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp 

  3. Thông báo công khai quyết định giải thể doanh nghiệp 

  4. Doanh nghiệp tiến hành thanh toán các khoản nợ và phân chia phần tài sản còn lại theo quy định.

  5. Nộp hồ sơ đăng ký giải thể tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính 

  6. Phòng đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

- Trình tự thủ tục phá sản doanh nghiệp:

Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản 

  1. Tòa án nhận đơn 

  2. Tòa án thụ lý đơn 

  3. Mở thủ tục phá sản 

  4. Hội nghị chủ nợ

  5. Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

  6. Thi hành tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

Hậu quả pháp lý

- Giải thể: doanh nghiệp bị xóa tên trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp

- Phá sản: tuyên bố phá sản, chấm dứt hoạt động, xóa thông tin doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện thành công phương án phục hồi hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động.

Khi nào doanh nghiệp được xác định là giải thể hay phá sản?

Đối với giải thể, doanh nghiệp có thể tự nguyện đăng ký giải thể hoặc bắt buộc phải giải thể theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, đồng thời không trong quá trình giải quyết tranh chấp kiện tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài. Đáp ứng đủ các điều kiện này, doanh nghiệp được xác định là giải thể.

Nếu doanh nghiệp không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính hoặc cố tình không thực hiện thanh toán thì Tòa án sẽ mở thủ tục phá sản, tuyên bố ra quyết định phá sản đối với doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp được xác định là phá sản.

(Tham khảo: htpldn.moj.gov.vn)

5/5 (1 bầu chọn)