Mở rộng thị trường, gia độ phủ thương hiệu, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh là mục tiêu chung mà các doanh nghiệp đang nỗ lực hướng đến. Trong đó, để phục vụ cho mục tiêu trên, thành lập chi nhánh công ty là một trong những phương thức chiến lược mà nhiều đơn vị lựa chọn. Và để hỗ trợ cho quá trình này, giúp chi nhánh hoạt động đúng theo các quy định của pháp luật, hãy cùng Luật Sư An Việt khám phá các thông tin hữu ích dưới đây.
Nên thành lập chi nhánh hạch toán độc lập hay hạch toán phụ thuộc?
Hiện nay, khi lập chi nhánh, công ty cần phải xác định hình thức hạch toán phù hợp cho đơn vị. Dù có điểm chung là đều không có tư cách pháp nhân, đồng thời có thể phát sinh các hoạt động kinh doanh, được quyền xuất hóa đơn giá trị gia tăng độc lập với công ty, nhưng mỗi hình thức sẽ có đặc trưng riêng biệt. Ngoài ra, giữa việc thành lập chi nhánh hạch toán độc lập hay phụ thuộc sẽ còn quyết định đến nghĩa vụ liên quan về kế toán, thuế của chi nhánh.
Trong đó:
Chi nhánh hạch toán độc lập
Với hình thức hạch toán độc lập, chi nhánh lúc này có thể:
- Chủ động xác định thu nhập, chi phí tính thuế, đồng thời sẽ chịu trách nhiệm đối với việc kê khai thuế, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN),...
- Tự hạch toán đầy đủ các sổ sách, báo cáo liên quan (BCTC, báo cáo thuế,...).
- Bộ phận kế toán thuộc chi nhánh sẽ là một đơn vị kế toán theo quy định của Luật Kế toán.
Chi nhánh hạch toán phụ thuộc
Ở hình thức hạch toán phụ thuộc, chi nhánh có thể:
- Phụ thuộc hoàn toàn vào công ty, thực hiện chuyển số liệu và các chứng từ doanh thu, chi phí lại cho phía công ty để cuối năm tiến hành hạch toán chung trong BCTC.
- Công ty sẽ kết hợp số liệu của những chi nhánh hạch toán phụ thuộc khác cùng công ty vào hoạt động của công ty để tiến hành hạch toán và thực hiện nghĩa vụ thuế TNDN.
- Số liệu trong sổ sách tại chi nhánh là một phần trong sổ sách của công ty.
- Đơn vị kế toán của công ty sẽ gồm bộ phận kế toán tại chi nhánh hạch toán phụ thuộc.
Trên thực tế, quy định của pháp luật hiện hành không bắt buộc công ty cần thành lập chi nhánh theo loại hình hạch toán độc lập hay phụ thuộc. Do vậy, căn cứ vào cơ cấu tổ chức, nhu cầu cũng như điều kiện riêng mà công ty có thể đưa ra lựa chọn tối ưu nhất. Trong đó:
- Nếu chi nhánh dự kiến thành lập không có nhiều hoạt động, không có nhiều các giao dịch chứng từ hoặc trụ sở chi nhánh thành lập trùng với tỉnh của trụ sở chính công ty, có thể cân nhắc đến hình thức hạch toán phụ thuộc. Lúc này, chi nhánh có thể tinh giản được đáng kể các đầu việc liên quan đến sổ sách, giấy tờ về thuế, kế toán.
- Nếu chi nhánh dự kiến thành lập có nhiều hoạt động, thực hiện nhiều giao dịch chứng từ, muốn quản lý chi phí, lỗ lãi chi tiết và được thành lập khác tỉnh của trụ sở chính công ty, có thể lựa chọn hình thức hạch toán độc lập.
Các câu hỏi thường gặp khi thành lập chi nhánh công ty
Một số câu hỏi thường được quan tâm khi lập chi nhánh công ty gồm:
1. Thủ tục thành lập chi nhánh có thể thực hiện qua hình thức nào?
Hiện nay, công ty có thể thực hiện nộp hồ sơ lập chi nhánh qua 2 hình thức:
- Nộp trực tiếp ở Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Nộp trực tuyến thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
2. Chi nhánh sau khi thành lập có được ký hợp đồng hay không?
Chi nhánh công ty vốn là đơn vị phụ thuộc, không có tư cách pháp nhân nên về cơ bản, chi nhánh không thể nhân danh chính mình tham gia vào các quan hệ pháp luật độc lập. Điều này đồng nghĩa với việc chi nhánh sẽ không thể nhân danh chính mình thực hiện ký hợp đồng. Tuy nhiên, người đại diện theo pháp luật của công ty có thể ủy quyền cho người đứng đầu chi nhánh, lúc này người đứng đầu chi nhánh sẽ trở thành người đại diện theo ủy quyền và thực hiện ký kết hợp đồng dưới danh nghĩa là công ty.
3. Sau khi thành lập chi nhánh cần thực hiện những thủ tục nào?
Sau khi hoàn tất thủ tục thành lập, được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, các thủ tục liên quan mà bạn cần hoàn tất bao gồm:
- Kê khai, nộp lệ phí môn bài
- Mua, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (với chi nhánh hạch toán độc lập cần mua và đăng ký riêng; với chi nhánh hạch toán phụ thuộc có thể sử dụng chung hóa đơn cùng công ty mẹ).
- Mở tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện các hoạt động giao dịch, thực hiện nộp thuế cũng như các nghĩa vụ tài chính liên quan.
Trên đây là tổng quan những thông tin đáng lưu ý khi thành lập chi nhánh công ty. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn, đảm bảo việc thực hiện đăng ký thành lập và đưa chi nhánh vào hoạt động được thuận lợi, nhanh chóng hơn. Ngoài ra, để được hỗ trợ thành lập chi nhánh từ A - Z, khách hàng đừng ngần ngại liên hệ cùng Luật Sư An Việt ngay hôm nay nhé.