Skip to content

Các vấn đề đáng lưu tâm khi doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh

08/05/2024277 lượt đọc

Khi kinh doanh không hiệu quả, cần thay đổi mô hình kinh doanh hoặc cần thời gian để điều chỉnh, phân phối lại nguồn lực, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn đăng ký thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh.

Nếu quý vị độc giả cũng đang quan tâm đến chủ đề, dưới đây sẽ là những thông tin hữu ích mà bạn không thể bỏ qua, đảm bảo việc thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh đúng đắn và nhanh chóng nhất. 

4 vấn đề cần quan tâm khi tạm ngừng hoạt động kinh doanh

Nếu đang lên có kế hoạch đăng ký thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp, 4 vấn đề mà bạn cần lưu tâm hàng đầu bao gồm:

1. Thông báo tạm ngừng kinh doanh đến cơ quan có thẩm quyền

Doanh nghiệp khi muốn tạm ngừng hoạt động kinh doanh phải thực hiện thủ tục thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh theo thời hạn được pháp luật quy định. 

Trong đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật doanh nghiệp 2020 và tại khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, để tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp cần thông báo chậm nhất là 3 ngày làm việc (trước ngày tạm ngừng kinh doanh) đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

Nội dung thông báo tạm ngừng kinh doanh gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ bao gồm:

  • Tên, trụ sở chính của doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp, thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (có thể thay thế bằng những giấy tờ tương đương khác).
  • Ngày bắt đầu tạm ngừng và ngày kết thúc thời gian tạm ngừng kinh doanh.
  • Lý do tạm ngừng hoạt động.
Những điều cần lưu tâm khi tạm ngừng hoạt động kinh doanh
Doanh nghiệp phải làm thủ tục thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh

2. Thời hạn tạm ngừng hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp

Thời hạn mà doanh nghiệp được phép tạm ngừng hoạt động kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP là không quá 1 năm đối với mỗi lần thông báo. Sau 1 năm, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện gia hạn (tức thông báo lại) nếu vẫn có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh. 

Có thể thấy, nếu Luật Doanh nghiệp 2014 (đã hết hiệu lực) quy định, doanh nghiệp không được thực hiện tạm ngừng hoạt động kinh doanh quá 02 năm liên tiếp thì quy định của pháp luật hiện hành không còn giới hạn thời gian mà doanh nghiệp được phép ngừng hoạt động liên tiếp nữa. 

Như vậy, nếu doanh nghiệp chưa tìm được phương án kinh doanh lâu dài, chưa khắc phục được khó khăn hoặc các vấn đề vướng mắc nhưng lại không muốn thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp, lúc này, doanh nghiệp ấy vẫn có thể tiếp tục tạm ngừng hoạt động liên tục trong nhiều năm mà vẫn không vi phạm quy định pháp luật.

3. Trách nhiệm của doanh nghiệp trong thời gian tạm ngừng hoạt động

Dù tạm ngừng kinh doanh, tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý, trong thời gian tạm ngừng này, doanh nghiệp cũng cần phải đảm bảo:

  • Nộp các khoản thuế mà doanh nghiệp chưa hoàn tất. 
  • Thực hiện thanh toán những khoản nợ chưa hoàn tất. 
  • Hoàn tất thực hiện những hợp đồng đã ký với đối tác, khách hàng và người lao động (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).

Trên thực tế, việc quy định doanh nghiệp vẫn phải thực hiện những phần trách nhiệm nói trên trong giai đoạn tạm ngừng kinh doanh khá hợp lý, hướng đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Quy định này cũng đồng thời tránh được tình trạng doanh nghiệp lợi dụng việc tạm ngừng kinh doanh để trốn tránh các nghĩa vụ, gây thiệt hại đến quyền lợi của bên thứ 3.

Thời hạn tạm ngừng hoạt động kinh doanh
Doanh nghiệp cần chú ý đến thời hạn tạm ngừng hoạt động kinh doanh

4. Hồ sơ khai thuế doanh nghiệp trong thời gian tạm ngừng kinh doanh

Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 4 NĐ 126/2020/NĐ-CP, trong thời gian doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp sẽ không cần nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh nhưng không trọn tháng/quý/năm dương lịch hay năm tài chính thì sẽ vẫn cần nộp hồ sơ khai thuế cho kỳ đó. 

Chẳng hạn, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh bắt đầu từ ngày 12.01.2024 - 11.01.2025. Như vậy, trong kỳ này, doanh nghiệp có hoạt động không trọn tháng nhưng vẫn cần nộp báo cáo thuế đối với tháng 1.2023 hoặc quý I.2023.

Hướng dẫn kiểm tra doanh nghiệp có đang tạm ngừng hoạt động kinh doanh hay không

Để kiểm tra tình trạng pháp lý của doanh nghiệp có đang trong thời gian tạm ngừng kinh doanh hay không, người dùng có thể thực hiện tra cứu nhanh chóng như sau: 

  • Truy cập trang web tra cứu thông tin doanh nghiệp của Tổng cục Thuế (tracuunnt.gdt.gov.vn)
  • Thực hiện nhập mã số thuế (MST) của doanh nghiệp cần tra cứu vào ô tìm kiếm.
  • Nhập mã xác nhận hiển thị trên màn hình và nhấn nút Tra cứu.
  • Trên trang kết quả, tìm kiếm thông tin tại mục Ghi chú. Nếu hiển thị là NNT tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn tức là doanh nghiệp đã đăng ký thủ tục tạm ngừng kinh doanh với cơ quan kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định.

Tạm ngừng hoạt động kinh doanh có thể xem là cơ hội để doanh nghiệp cân nhắc lại mô hình hoạt động, chiến lược phát triển nhằm "tái tạo" và mở ra hướng đi mới. Hy vọng với những chia sẻ từ Luật Sư An Việt, bạn đã có thêm những lưu ý quan trọng, giúp hoàn tất thủ tục được thuận lợi, suôn sẻ và đúng theo quy định của pháp luật.

5/5 (1 bầu chọn)