Skip to content

Các trường hợp không được thành lập công ty

24/11/202370 lượt đọc

Tổ chức, cá nhân được phép thành lập doanh nghiệp để phục vụ mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, không phải mọi đối tượng đều được thành lập và quản lý doanh nghiệp do yếu tố pháp lý, tài chính,...

Các trường hợp không được thành lập doanh nghiệp

7 đối tượng không được thành lập doanh nghiệp

CONG-TY-THANH-LAP-NHUNG-KHONG-HOAT-DONG-CO-DUOC-KHONG.jpg (22 KB)

Theo khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020, các tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

(1) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình

(2) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

(3) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

(4) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này),ngoại trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác

Cơ quan nhà nước, công an, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức là những đối tượng nắm giữ chức vụ và thẩm quyền theo quy định của Pháp luật nhằm thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao phó. Những đối tượng này không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp vì mục đích ngăn chặn và đề phòng các tình trạng tham nhũng, tham ô ngân sách, lạm quyền và tư lợi cá nhân. 

(5) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân

(6) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Lưu ý: Trong trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.

(7) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự

  • Pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định khi tòa án xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội. (VD: kinh doanh thiết bị y tế, thực phẩm,...)
  • Thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Không góp đủ vốn so với mức vốn pháp định

Bên cạnh đó, công ty dự định thành lập có ngành nghề kinh doanh yêu cầu mức vốn pháp định thì số vốn góp của công ty phải tối thiểu bằng vốn pháp định. Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để được thành lập doanh nghiệp. Nếu không cam kết đủ số vốn tương ứng với mức vốn pháp định thì hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ bị coi là không hợp lệ.

Ví dụ: 

  • Ngành kinh doanh bất động sản yêu cầu vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ. Doanh nghiệp dự định thành lập để kinh doanh bất động sản thì phải có số vốn đăng ký tối thiểu là 20 tỷ và phải duy trì số vốn ít nhất 20 tỷ trong suốt quá trình kinh doanh. 
  • Đối với tổ chức muốn thành lập công ty kinh doanh đa cấp thì phải có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên. Không đáp ứng đủ số vốn theo quy định của pháp luật thì không đủ điều kiện thành lập công ty đa cấp.

Các trường hợp khác theo quy định của Luật phá sản 2014

Căn cứ khoản 3 Điều 130 Luật phá sản 2014, người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản nếu có các hành vi dưới đây thì không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản:

- Không thực hiện yêu cầu của Thẩm phán, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về phá sản.

- Những người theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 5 của Luật này không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, bao gồm:

  • Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
  • Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

- Trường hợp có thiệt hại phát sinh sau thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán do việc không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gây ra thì phải bồi thường. Doanh nghiệp, hợp tác xã không bồi thường thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Doanh nghiệp, hợp tác xã cố ý thực hiện các hoạt động dưới đây sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản:

  • Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản
  • Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại điểm c khoản 1 Điều 49 của Luật này
  • Từ bỏ quyền đòi nợ
  • Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
  • Giải pháp cho một số trường hợp không được thành lập công ty

Thực tế vẫn có các biện pháp thay thế cùng với lời khuyên thành lập công ty khởi nghiệp cho bạn kinh doanh sinh lợi mà không bắt buộc phải trực tiếp thành lập công ty.

- Dành cho người chưa thành niên muốn thành lập công ty:

Theo quy định của pháp luật, người chưa thành niên không được phép thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, cha mẹ (của người chưa thành niên) không thuộc các trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp ở trên và đáp ứng điều kiện bắt buộc khi thành lập công ty thì có thể tự đứng ra thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chờ đến khi con của mình đủ tuổi thì cha mẹ thực hiện thủ tục chuyển nhượng doanh nghiệp đó cho con theo hình thức mua bán hoặc tặng cho. 

- Dành cho cán bộ, công chức, viên chức:

Theo theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì cán bộ, công chức, viên chức không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp. Nhưng họ vẫn thể tham gia góp vốn ở từng loại hình doanh nghiệp, cụ thể là:

  • Đối với công ty cổ phần, cán bộ, công chức, viên chức chỉ được tham gia với tư cách là cổ đông góp vốn mà không được tham gia với tư cách là người trong hội đồng quản trị hay ban kiểm soát của doanh nghiệp.
  • Đối với công ty hợp danh thì cán bộ, công chức, viên chức chỉ có thể tham gia với tư cách là thành viên hợp vốn, nhưng không được tham gia với tư cách hợp danh. Vì chỉ với tư cách hợp vốn thì họ mới được coi là không có khả năng quản lý doanh nghiệp.
  • Tuy nhiên, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn thì cán bộ, công chức, viên chức không thể tham gia góp vốn ở loại hình doanh nghiệp này vì loại hình doanh nghiệp này khi tham gia đồng nghĩa với việc có tư cách thành viên mà có tư cách thành viên là có vai trò quản lý trong đó.

Mức phạt vi phạm thành lập doanh doanh nghiệp

khonggopduvon.jpg (31 KB)

Các đối tượng không được thành lập doanh nghiệp nhưng vẫn tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp thì sẽ phải đối mặt các hình phạt theo quy định của pháp luật. Theo Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, hành vi vi phạm về thành lập doanh nghiệp và mức phát được quy định như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo số lượng thành viên, cổ đông theo quy định.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

  • Góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp tại tổ chức kinh tế khác không đúng hình thức theo quy định của pháp luật;
  • Không có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nhưng vẫn thực hiện.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

  • Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn;
  • Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

  • Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký;
  • Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh.

Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

(Tham khảo: vanban.chinhphu.vn)

5/5 (1 bầu chọn)