Skip to content

Ưu điểm và hạn chế của lập địa điểm kinh doanh

12/11/2023375 lượt đọc

Địa điểm kinh doanh là loại hình đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp. Tuy có nhiều ưu điểm nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng phù hợp để lập địa điểm kinh doanh.

Đặc điểm của địa điểm kinh doanh

  • Địa điểm kinh doanh không được cùng là trụ sở chính.
  • Doanh nghiệp phải làm thủ tục thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi lập địa điểm kinh doanh.
  • Tên của địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số, các ký hiệu và phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “địa điểm kinh doanh”.
  • Địa điểm kinh doanh bắt buộc phải kinh doanh các ngành, nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp đã đăng ký. 
  • Khi phát sinh những thay đổi trên nội dung giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh (địa chỉ, tên người đứng đầu, ngành nghề kinh doanh…) thì doanh nghiệp phải thực hiện thay đổi đăng ký kinh doanh.
  • Doanh nghiệp có thể lập điểm kinh doanh cùng hoặc khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chính (Điều 97 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp)
  • Địa chỉ của điểm kinh doanh có thể nằm ngoài địa chỉ trụ sở chính.
  • Doanh nghiệp có lập nhiều địa điểm kinh doanh.
  • Địa điểm kinh doanh không có mã số thuế, con dấu riêng.

Phân biệt địa điểm kinh doanh với các đơn vị phụ thuộc khác của doanh nghiệp

Các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020 là địa điểm kinh doanh, chi nhánh, văn phòng đại diện.

1. Địa điểm kinh doanh

Địa điểm kinh doanh
Địa điểm kinh doanh

  • Chức năng, hoạt động: Kinh doanh một số ngành, nghề được doanh nghiệp đăng ký.
  • Phạm vi hoạt động: Thành lập điểm kinh doanh cùng hoặc khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chính.
  • Đặt tên: Bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “địa điểm kinh doanh”.
  • Con dấu, giấy phép hoạt động:
  • Không có con dấu riêng.
  • Có Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh
  • Mã số thuế:
  • Không có mã số thuế mà sử dụng mã số thuế của công ty chủ quản.
  • Mã số của địa điểm kinh doanh là mã số gồm 5 chữ số được cấp theo số thứ tự từ 00001 đến 99999 để phục vụ đăng ký doanh nghiệp và trao đổi thông tin với doanh nghiệp.
  • Các loại thuế cần nộp: Thuế môn bài (1.000.000 đồng/năm theo Điểm c Khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP)
  • Hạch toán thuế: Phụ thuộc vào trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc chi nhánh chủ quản.
  • Thủ tục thành lập: Đơn giản, nhanh chóng, không tốn nhiều tiền.

2. Chi nhánh

Chi nhánh
Chi nhánh

  • Chức năng, hoạt động:
  • Chức năng kinh doanh.
  • Đại diện theo ủy quyền cho doanh nghiệp.
  • Phạm vi hoạt động: Có thể thành lập chi nhánh cùng hoặc khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chính; trong và ngoài nước.
  • Đặt tên: Bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “chi nhánh”.
  • Con dấu, giấy phép hoạt động:
  • Có con dấu riêng.
  • Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh.
  • Mã số thuế: Có mã số thuế riêng
  • Các loại thuế cần nộp: 
  • Thuế môn bài
  • Thuế Giá trị gia tăng
  • Thuế Thu nhập doanh nghiệp
  • Thuế thu nhập cá nhân
  • Hạch toán thuế: Doanh nghiệp có thể lựa chọn hạch toán độc lập hoặc phụ thuộc.
  • Thủ tục thành lập:
  • Hồ sơ thành lập phức tạp hơn địa điểm kinh doanh.
  • Khi muốn thay đổi địa chỉ khác tỉnh phải làm thủ tục xác nhận thuế trước khi thay đổi địa chỉ trên Giấy chứng nhận.

3. Văn phòng đại diện

Văn phòng
Văn phòng

  • Chức năng:
  • Không được tiến hành hoạt động kinh doanh.
  • Có chức năng đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ lợi ích đó
  • Phạm vi hoạt động: Có thể thành lập văn phòng đại diện cùng hoặc khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chính; trong và ngoài nước.
  • Đặt tên: Bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “văn phòng đại diện”.
  • Con dấu, giấy phép hoạt động:
  • Có con dấu riêng.
  • Có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện.
  • Mã số thuế: Có mã số thuế 13 số riêng
  • Các loại thuế cần nộp: Căn cứ vào quy định tại Khoản 3 Điều 19 Thông tư 80/2021/TT- BTC:
  • Nếu văn phòng đại diện không ký hợp đồng lao động, không trả lương cho người lao động thì văn phòng đại diện không phải kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân. 
  • Nếu văn phòng đại diện trực tiếp ký hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động thì sẽ có trách nhiệm kê khai khấu trừ, nộp thuế thu nhập cá nhân tập trung tại công ty.
  • Hạch toán thuế: Hạch toán phụ thuộc.
  • Thủ tục thành lập: Khi thay đổi trụ sở văn phòng đại diện sang quận khác vẫn phải thực hiện xác nhận nghĩa vụ thuế tại Chi cục thuế nơi có địa chỉ cũ.

Ưu điểm và hạn chế của lập địa điểm kinh doanh 

1. Ưu điểm của lập địa điểm kinh doanh:

  • Địa điểm kinh doanh là nơi tập trung các hoạt động kinh doanh và giao dịch hàng hóa, nhằm giảm chi phí vận chuyển, tăng doanh thu và độ nhận diện thương hiệu thương hiệu.
  • Doanh nghiệp có thể lập nhiều địa điểm kinh doanh tại các vị trí khác nhau trong phạm vi cho phép, giúp mở rộng thị trường, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận khách hàng mới và tạo mối quan hệ với khách hàng tiềm năng tại địa phương.
  • Thủ tục thành lập và chấm dứt hoạt động nhanh chóng, đơn giản và dễ thực hiện; lệ phí thành lập thấp hơn văn phòng đại diện/chi nhánh.
  • Thay đổi địa chỉ của địa điểm kinh doanh không cần thực hiện các thủ tục về thuế liên quan.

2. Hạn chế của lập địa điểm kinh doanh:

  • Địa điểm kinh doanh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không có con dấu riêng và không độc lập về tài sản. Vì vậy, chủ sở hữu có thể chịu trách nhiệm cá nhân cho các nghĩa vụ và vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh tại địa điểm đó.
  • Không có mã số thuế riêng có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục kê khai thuế, đặc biệt với những địa điểm kinh doanh được thành lập khác tỉnh, thành phố với trụ sở chính.
  • Đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu cao: Lập địa điểm kinh doanh yêu cầu một khoản đầu tư ban đầu đáng kể để mua đất, xây dựng hoặc thuê không gian kinh doanh, mua trang thiết bị và các chi phí phát sinh khác. Điều này có thể tạo ra áp lực tài chính đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ hoặc mới khởi nghiệp.
  • Rủi ro cao: Nếu thị trường địa phương không đủ lớn hoặc cạnh tranh quá khốc liệt, công ty có thể gặp khó khăn khi mở rộng hoạt động kinh doanh.

 Nguồn tham khảo: vanban.chinhphu.vn

5/5 (1 bầu chọn)