Skip to content

Trọn bộ quy trình, thủ tục thành lập công ty kinh doanh đa cấp đầy đủ, chi tiết

09/11/202330 lượt đọc

Doanh nghiệp cần gửi hồ sơ đến Sở Công Thương địa phương nơi doanh nghiệp dự kiến hoạt động để được xét duyệt cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Kinh doanh đa cấp, còn được gọi là bán hàng đa cấp, kinh doanh theo mạng lưới, là phương thức kinh doanh thông qua nhiều cấp khác nhau. Trong đó, người tham gia bán hàng đa cấp sẽ được hưởng tiền hoa hồng/tiền thưởng/lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng của mình và của người khác trong mạng lưới do mình xây dựng. 

Doanh nghiệp chỉ được tổ chức bán hàng đa cấp sau khi được cấp Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp theo quy định tại Điều 16 Nghị định 40/2018/NĐ-CP. Dưới đây là các điều kiện, thủ tục mà doanh nghiệp cần đáp ứng để thành lập công ty kinh doanh đa cấp.

1. Điều kiện thành lập công ty kinh doanh đa cấp

1.1. Điều kiện đối với tổ chức kinh doanh đa cấp

Căn cứ theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đa cấp phải đáp ứng các điều kiện sau:

"- Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

- Có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên.

- Không phải là tổ chức, cá nhân từng giữ chức vụ chủ sở hữu (công ty TNHH 1 thành viên),thành viên (công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh),cổ đông (công ty cổ phần),người đại diện theo pháp luật tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

-  Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Nghị định 40/2018/NĐ-CP: "Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mở tài khoản ký quỹ và ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng (mười tỷ đồng) tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam."

- Có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định của Nghị định này;

- Có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp;

- Có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.

- Trong trường hợp tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên hoặc cổ đông, tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đó phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp trong thực tế tối thiểu là 03 năm liên tục ở một nước, vùng lãnh thổ trên thế giới.

1.2. Điều kiện đối với hàng hóa kinh doanh đa cấp

"- Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Chỉ cần là hàng hóa thì sẽ được phép kinh doanh theo phương thức đa cấp, ngoại trừ những hàng hóa bị cấm bán hàng đa cấp được liệt kê dưới đây:

  • Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm.

  • Sản phẩm nội dung thông tin số."

2. Thủ tục thành lập công ty kinh doanh đa cấp

Công ty kinh doanh đa cấp
Công ty kinh doanh đa cấp

Để thành lập công ty kinh doanh đa cấp, chủ sở hữu cần làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp để nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty kinh doanh đa cấp (xem hướng dẫn ở mục 2.1 trong bài). Sau đó, nộp sơ đến cơ quan có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. 

Nếu đã có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bạn chỉ cần làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo hướng dẫn của mục 2.2 trong bài viết.

2.1. Thủ tục thành lập doanh nghiệp

Các bước trong quá trình đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể khá phức tạp và đòi hỏi sự hiểu biết về các quy định pháp lý và thủ tục hành chính. Khi đó, bạn có thể sử dụng dịch vụ của công ty tư vấn luật để quá trình đăng ký diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Các thủ tục thành lập
Các thủ tục thành lập

Bước 1: Chuẩn bị thông tin cần thiết để làm hồ sơ

Trong bước này, chủ sở hữu công ty hoặc các thành viên, cổ đông sáng lập công ty cần bàn bạc và xác định các thông tin liên quan đến việc thành lập công ty:

  • Chọn loại hình công ty: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty cổ phần
  • Ngành nghề kinh doanh
  • Tên công ty
  • Địa chỉ trụ sở
  • Thành viên
  • Vốn điều lệ
  • Người đại diện theo pháp luật của công ty

Bước 2: Soạn thảo hồ sơ thành lập công ty

Dưới đây là những loại hồ sơ chính cần có để chuẩn bị cho việc thành lập công ty:

- Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân: Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với doanh nghiệp tư nhân

- Hồ sơ đăng ký thành lập công ty hợp danh: Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; Điều lệ công ty; Danh sách thành viên; Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

- Hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH: Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; Điều lệ công ty; Danh sách thành viên; Bản sao của các giấy tờ được quy định tại khoản 4 Điều 21 Luật Doanh nghiệp 2020.

- Hồ sơ đăng ký thành lập công ty cổ phần: Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; Điều lệ công ty; Danh sách cổ đông sáng lập, danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài; Bản sao của các giấy tờ được quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2020.

Bước 3: Nộp hồ sơ

Doanh nghiệp nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký thành lập công ty tại Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế Hoạch & Đầu Tư trực thuộc địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Bước 4: Nhận kết quả

Sau 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ của bạn hợp lệ bạn sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Sau đó, doanh nghiệp tiếp tục hoàn tất các thủ tục sau thành lập công ty như làm con dấu pháp nhân, đăng ký chữ ký số, đăng ký khai thuế,...

2.2. Thủ tục xin giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp sẽ không được kinh doanh theo phương thức này cũng như không được thực hiện khuyến mại theo mô hình đa cấp. 

Chuẩn bị giấy tờ và hồ sơ
Chuẩn bị giấy tờ và hồ sơ

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Doanh nghiệp cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, bao gồm các giấy tờ sau:

(1) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP

(2) 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương

(3) 01 bản danh sách kèm theo bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân hợp lệ (chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu đối với cá nhân có quốc tịch Việt Nam; hộ chiếu và giấy tờ cư trú hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam; hộ chiếu đối với người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam) của những người bao gồm: chủ sở hữu (công ty TNHH 1 thành viên),thành viên (công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh),cổ đông (công ty cổ phần),người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

(4) 01 bản sao giấy tờ pháp lý về việc thành lập tổ chức trong trường hợp là tổ chức

(5) 02 bộ tài liệu liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp, bao gồm:

  • Mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp
  • Kế hoạch trả thưởng
  • Chương trình đào tạo cơ bản
  • Quy tắc hoạt động

(6) 01 bản danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp của doanh nghiệp, bao gồm các thông tin: Tên, chủng loại, xuất xứ, quy cách đóng gói, chế độ bảo hành (nếu có),giá bán và số điểm thưởng quy đổi tương ứng với giá bán, thời điểm áp dụng

(7) 01 bản chính văn bản xác nhận ký quỹ

(8) Tài liệu giải trình kỹ thuật về hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp đáp ứng quy định tại Điều 44 Nghị định này, trong đó phải bao gồm các thông tin cơ bản sau:

  • Địa chỉ IP máy chủ và địa điểm đặt máy chủ vật lý;
  • Cơ chế vận hành của hệ thống, bao gồm thông tin mô tả hệ thống, cách thức nhập và lưu trữ dữ liệu, cách thức quản trị dữ liệu;
  • Các thông tin tại Điều 44 Nghị định 40/2018/NĐ-CP

(9) Tài liệu chứng minh doanh nghiệp có trang thông tin điện tử đáp ứng quy định tại Điều 45 Nghị định 40/2018/NĐ-CP

(10) Tài liệu chứng minh doanh nghiệp có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.

(11) Bản sao báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong ba năm tài chính gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận, chứng minh việc đáp ứng điều kiện quy định tại điểm h khoản 1 Điều 7 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, trong trường hợp doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên hoặc cổ đông

(12) Giấy phép kinh doanh có nội dung cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ, bao gồm hoạt động bán lẻ theo phương thức đa cấp, trong trường hợp doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên hoặc cổ đông

Bước 2: Nộp hồ sơ

Doanh nghiệp nộp hồ sơ tới Bộ Công Thương, có thể nộp trực tiếp, trực tuyến hoặc đường bưu điện.

Lưu ý, doanh nghiệp cần gửi kèm theo bản điện tử của các tài liệu sau:

  • Bản điện tử định dạng ".doc" hoặc ".docx" đối với tài liệu (5)
  • Bản điện tử định dạng ".xls" hoặc “.xlsx” đối với tài liệu (6)

Bước 3: Nhận kết quả

Trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện: 

- Doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này 

- Doanh nghiệp được giao lại 01 bản các tài liệu có đóng dấu treo hoặc dấu giáp lai của Bộ Công Thương, bao gồm:

  • Mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp
  • Kế hoạch trả thưởng
  • Chương trình đào tạo cơ bản
  • Quy tắc hoạt động

Trường hợp doanh nghiệp không sửa đổi, bổ sung hồ sơ đúng thời hạn quy định hoặc hồ sơ của doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện quy định sau khi đã sửa đổi, bổ sung, Bộ Công Thương thông báo trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do trả lại hồ sơ.

3. Thời gian thành lập công ty kinh doanh đa cấp cần bao lâu?

Thời gian đăng ký thành lập công ty kinh doanh đa cấp tương đối lâu, cần ít nhất 1 tháng cho đến hơn 4 tháng nếu hồ sơ cần thay đổi, bổ sung. 

5 ngày kiểm tra tính hợp lệ:Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương sẽ kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì Bộ Công Thương gửi thông báo bằng văn bản đến doanh nghiệp để doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ. 

30 ngày sửa đổi, bổ sung hồ sơ:Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ nhưng doanh nghiệp không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu thì Bộ Công Thương trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp.

30 ngày nộp phí thẩm định hồ sơ: Sau khi nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ Công Thương thông báo cho doanh nghiệp nộp phí thẩm định. Bộ Công Thương trả lại hồ sơ nếu doanh nghiệp không nộp phí thẩm định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo.

20 ngày thẩm định hồ sơ: Bộ Công Thương thẩm định hồ sơ trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phí thẩm định

30 ngày nộp bổ sung hồ sơ:Trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này, Bộ Công Thương thông báo bằng văn bản yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Doanh nghiệp được nộp bổ sung hồ sơ 01 lần trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành thông báo.

15 ngày thẩm định hồ sơ bổ sung: Thời hạn thẩm định hồ sơ sửa đổi, bổ sung là 15 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung.

4. Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực trong thời gian 05 năm kể từ ngày cấp. Trước khi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực ít nhất 03 tháng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải thực hiện thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để có thể tiếp tục kinh doanh theo phương thức này. Doanh nghiệp có thể gia hạn nhiều lần.

5. Mức phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp

Theo thông tư số 09/2024/TT-BTC, mức phí cấp giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp được quy định như sau:

- Cấp mới, cấp lần đầu: 5.000.000đ/01 lần thẩm định

- Gia hạn giấy chứng nhận: 5.000.000đ/01 lần thẩm định

- Sửa đổi, bổ sung nội dung giấy chứng nhận: 3.000.000đ/01 lần thẩm định

(Tham khảo: vanban.chinhphu.vn)

5/5 (1 bầu chọn)