Skip to content

Hồ sơ, thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp

13/11/202324 lượt đọc

Khi chọn được địa điểm kinh doanh phù hợp, doanh nghiệp cần nhanh chóng hoàn tất hồ sơ, thủ tục lập địa điểm kinh doanh để hoạt động kinh doanh tại đây hợp pháp.

Doanh nghiệp chỉ được triển khai hoạt động kinh doanh trên địa chỉ đã đăng ký kinh doanh. Vì vậy, làm thủ tục lập địa điểm kinh doanh là yêu cầu bắt buộc đối với điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính của doanh nghiệp. 

Như vậy, sau khi quyết định thành lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp cần gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến cơ quan có thẩm quyền để nhận Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh; đồng thời cập nhật thông tin về địa điểm kinh doanh lên cơ sở dữ liệu quốc gia.

1. Quy trình thành lập địa điểm kinh doanh

Chuẩn bị hồ sơ
Chuẩn bị các giấy tờ hồ sơ

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký lập địa điểm kinh doanh

(1) Bản sao công chứng của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

(2) Quyết định thành lập địa điểm kinh doanh công ty

(3) Văn bản ủy quyền cho người thực hiện thủ tục lập địa điểm kinh doanh nếu người nộp hồ sơ không phải người đại diện pháp luật của doanh nghiệp

(4) Bản sao công chứng CMND/CCCD/Hộ chiếu còn hiệu lực của người nộp hồ sơ

(5) Thông báo lập địa điểm kinh doanh theo Mẫu Phụ lục II-7 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT:

+ Trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp thì thông báo lập địa điểm kinh doanh do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký.

+ Trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh thì thông báo lập địa điểm kinh doanh do người đứng đầu chi nhánh ký.

Lưu ý:

- Trường hợp doanh nghiệp là tổ chức tín dụng thuộc loại hình công ty trách nhiệm hoặc công ty cổ phần, hồ sơ lập địa điểm kinh doanh phải có Bản sao hợp lệ giấy phép hoặc văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Trường hợp doanh nghiệp là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán cần kèm theo kèm theo bản sao giấy phép thành lập và hoạt động hoặc bản sao văn bản chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

- Trường hợp doanh nghiệp là doanh nghiệp xã hội, hồ sơ phải có thêm Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký lập địa điểm kinh doanh

Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ theo 3 cách:

  • Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh
  • Nộp qua dịch vụ bưu chính (nếu cơ quan có áp dụng)
  • Nộp qua mạng điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn). 

*Trường hợp nộp qua mạng điện tử:

Bạn đọc có thể tham khảo quy trình chi tiết trên website Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để nắm rõ các bước thực hiện gửi hồ sơ.

*Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính:

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) nơi đặt địa điểm kinh doanh. Người nộp hồ sơ nộp lệ phí tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký địa điểm kinh doanh. 

Bước 3: Nhận kết quả thông báo lập địa điểm kinh doanh

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện:

  • Cập nhật thông tin về địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp 
  • Cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp (nếu doanh nghiệp có nhu cầu)

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp.

2. Thủ tục cần làm sau khi thành lập địa điểm kinh doanh

Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh
Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh

Khi có Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp cần hoàn tất các thủ tục tiếp theo:

- Treo biển hiệu tại địa điểm kinh doanh đã đăng ký

- Đóng thuế môn bài hàng năm cho địa điểm kinh doanh với mức đóng là 1.000.000 đồng/năm. Nếu doanh nghiệp thành lập địa điểm kinh doanh trong thời gian được miễn phí môn bài thì địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp cũng sẽ được miễn phí môn bài trong năm đầu tiên thành lập.

3. Một số yêu cầu cơ bản khi thành lập địa điểm kinh doanh

Doanh nghiệp nên nắm rõ các yêu cầu cơ bản khi thành lập địa điểm kinh doanh để không vi phạm pháp luật và tăng tính hợp lệ cho hồ sơ.

Tên địa điểm kinh doanh

Tên địa điểm kinh doanh được quy định tại Điều 20 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:

- Tên địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu

- Tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ "Địa điểm kinh doanh" (Ví dụ: ĐỊA ĐIỂM KINH DOANH CÔNG TY CỔ PHẦN DỊCH VỤ A) 

- Tên địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở địa điểm kinh doanh (thường được thực hiện bằng cách treo biển hiệu tại địa điểm kinh doanh) 

- Ngoài tên bằng tiếng Việt, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.

- Phần tên riêng trong tên địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”

- Đối với những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc do yêu cầu tổ chức lại thì được phép giữ nguyên tên doanh nghiệp nhà nước trước khi tổ chức lại

Nơi đặt địa điểm kinh doanh

Nơi đặt địa điểm
Nơi đặt địa điểm

Trước đây, theo quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP thì doanh nghiệp chỉ được phép đặt địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.

Tuy nhiên theo nghị định 108/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đặt địa điểm kinh doanh ở tỉnh thành cùng hoặc khác với trụ sở chính, chi nhánh kể từ tháng 10/2018. Như vậy, doanh nghiệp có trụ sở chính tại Hà Nội thì nay vẫn có thể thành lập địa điểm kinh doanh ở TP. Hồ Chí Minh.

Phạm vi ngành nghề của địa điểm kinh doanh

Địa điểm kinh doanh hoạt động ngành nghề phụ thuộc vào ngành nghề mà công ty mẹ đăng ký trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Trong Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh không mô tả ngành nghề kinh doanh nên bạn không cần lo lắng về vấn đề này khi làm hồ sơ.

(Tham khảo: dichvucong.gov.vn)

5/5 (2 bầu chọn)