Skip to content

Trường hợp nào phải thay đổi đăng ký kinh doanh?

18/05/202422 lượt đọc

Doanh nghiệp cần làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh trong các trường hợp như cần thay đổi tên công ty, thay đổi loại hình doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở, cơ cấu góp vốn của thành viên,...

Theo quy định pháp luật doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải thực hiện thay đổi đăng ký kinh doanh trong trường hợp nào? Thời hạn đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là bao lâu? Hôm nay, Luật sư An Việt xin chia sẻ để quý khách hiểu hơn về vấn đề thay đổi đăng ký kinh doanh.

Thay đổi đăng ký kinh doanh là gì?

Thay đổi đăng ký kinh doanh là một thủ tục pháp lý bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện khi có sự thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hoặc thông tin thay đổi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận.

Thế nào là thay đổi đăng ký kinh doanh
Thế nào là thay đổi đăng ký kinh doanh?

Những trường hợp phải thay đổi đăng ký kinh doanh

Dựa trên các quy định tại Điều 28, Khoản 1 Điều 30 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì buộc doanh nghiệp phải đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi có những thay đổi về nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cụ thể như sau: 

  • Thay đổi về tên công ty: Trong đó bao gồm những thay đổi tên bằng tiếng Việt, tên tiếng nước ngoài, hoặc là thay đổi tên viết tắt.
  • Thay đổi về loại hình doanh nghiệp: Bao gồm chuyển đổi công ty TNHH 1 thành viên sang công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc chuyển đổi từ công ty TNHH sang công ty cổ phần, chuyển đổi từ công ty cổ phần thành công ty TNHH hoặc chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH.
  • Thay đổi địa chỉ đặt trụ sở chính của công ty.
  • Các thay đổi số điện thoại, số fax; email, website công ty.
  • Thay đổi ngành, nghề kinh doanh.
  • Thay đổi vốn điều lệ công ty: Tăng vốn điều lệ công ty hoặc giảm vốn điều lệ công ty đều phải thay đổi đăng ký kinh doanh.
  • Điều chỉnh về cơ cấu vốn của các thành viên trong công ty.
  • Cập nhật lại thông tin cổ đông là người nước ngoài: Thay đổi thành viên cổ đông là người nước ngoài hoặc thay đổi tỷ lệ góp vốn của cổ đông nước ngoài hoặc thay đổi thông tin về Hộ chiếu, Hộ khẩu của cổ đông là người nước ngoài.
  • Thay đổi thông tin người đại diện công ty theo pháp luật: Bao gồm thay đổi chức danh, thay đổi CCCD, số hộ chiếu, thay đổi hộ khẩu, thay đổi chỗ ở hiện tại của người đại diện theo pháp luật.
  • Thay đổi thông tin của chủ sở hữu của công ty TNHH một thành viên: Chuyển nhượng chủ sở hữu, thay đổi GPKD của chủ sở hữu hoặc thay đổi thông tin cá nhân của chủ sở hữu.
  • Thay đổi thông tin đăng ký thuế của doanh nghiệp: Thay đổi người phụ trách kế toán hoặc cập nhật lại thông tin địa chỉ nhận thông báo thuế.
thay đổi đăng ký kinh doanh
Các trường hợp phải thay đổi đăng ký kinh doanh

Thời hạn đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 30 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì khi có những thay đổi nêu trên doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát sinh những thay đổi này.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc tính từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có nghĩa vụ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, sau đó tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. 

Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, thì Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ có những thông báo bằng văn bản về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh.

Còn nếu hồ sơ của doanh nghiệp thuộc các trường hợp bị từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới thì phải có văn bản thông báo rõ ràng với doanh nghiệp về lý do tại sao hồ sơ bị từ chối.

Trường hợp doanh nghiệp đăng ký thay đổi đăng ký kinh doanh theo quyết định của Tòa án hoặc Trọng tài thì phải theo trình tự, thủ tục như sau:

  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận bản án hoặc nhận các quyết định của Tòa án có hiệu lực hoặc nhận các phán quyết của Trọng tài có hiệu lực thì người đề nghị đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tiến hành gửi đề nghị đăng ký thay đổi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh. Hồ sơ phải có đính kèm bản sao quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật hoặc bản sao các phán quyết của Trọng tài có hiệu lực;
  • Kể từ khi nhận được đề nghị đăng ký nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong thời hạn 03 ngày làm việc thì Cơ quan đăng ký kinh doanh phải có trách nhiệm xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới theo nội dung bản án, quyết định của Tòa án hoặc theo phán quyết của Trọng tài có hiệu lực nếu hồ sơ hợp lệ. Còn nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì Cơ quan đăng ký kinh doanh phải có những thông báo bằng văn bản nội dung mà doanh nghiệp cần sửa đổi hoặc bổ sung để hoàn tất hồ sơ. Trong trường hợp doanh nghiệp bị từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới thì Cơ quan đăng ký kinh doanh phải có thông báo bằng văn bản rõ ràng gửi đến người đề nghị đăng ký thay đổi và nêu rõ lý do vì sao hồ sơ bị từ chối.

Bên trên là chia sẻ của Luật sư An Việt về những trường hợp cần thay đổi đăng ký kinh doanh mà doanh nghiệp nên nắm để thực hiện đúng theo quy định của Luật doanh nghiệp mới nhất hiện nay. 

5/5 (1 bầu chọn)