Cổ đông nhỏ chiếm đa số trong bất cứ thị trường nào, kể cả thị trường chứng khoán tập trung cũng như thị trường phi tập trung... Với chút tiền nhỏ nhoi, họ tham gia đầu tư vào các công ty cổ phần với ước mơ làm giàu. Nhưng trước khi đạt được ước mơ đó, họ phải đối diện ngay với vô vàn bất lợi từ nhiều phía.
Ít vốn, họ có ít quyền và tiếng nói ít trọng lượng trong hoạt động điều hành công ty. Họ bị chèn ép và buộc phải cuốn theo những kế hoạch kinh doanh đã được sắp đặt trước của các cổ đông lớn.
Nhà đầu tư nhỏ tiếp đến là nạn nhân của những quản trị viên - những người có cơ hội để vun vén cho lợi ích cá nhân mà không quan tâm đến hoạt động của công ty. Nhà đầu tư nhỏ vì thế luôn ở thế yếu, họ là những đối tượng được pháp luật doanh nghiệp ưu tiên bảo vệ.
Luật pháp thường đưa ra các cơ chế bảo vệ các cổ đông nhỏ như sau: (i) quy định trách nhiệm của các cán bộ quản lý như chủ tịch hoặc thành viên HĐQT, (tổng) giám đốc và các chức danh quản lý khác; (ii) yêu cầu công khai lợi ích của cán bộ quản lý; (iii) thiết lập thủ tục phê chuẩn hợp đồng giữa công ty và các bên liên quan (đặc biệt là giữa cổ đông, người quản lý với doanh nghiệp mà họ điều hành); (iii) trao quyền cho cổ đông khởi kiện cán bộ quản lý khi những người này gây thiệt hại cho cổ đông hoặc công ty.
Luật Doanh nghiệp quên?
Luật Doanh nghiệp cũng quy định cơ chế bảo vệ các cổ đông nhỏ như trên, nhưng đáng ngạc nhiên là Luật Doanh nghiệp lại dường như quên trao cho cổ đông công ty cổ phần quyền khởi kiện các cán bộ quản lý.
Trong các quyền của cổ đông theo Luật Doanh nghiệp, không hề có quy định nào về quyền khởi kiện của cổ đông. Có quan điểm cho rằng Luật Doanh nghiệp dù không minh thị quyền khởi kiện cho cổ đông, nhưng đã quy định nghĩa vụ tận tâm, cẩn trọng, trung thực và trung thành của các cán bộ quản lý công ty, do đó, khi cán bộ quản lý có vi phạm, cổ đông vẫn đương nhiên có quyền khởi kiện họ tại tòa án.
Dù sao, việc không nói rõ quyền khởi kiện các cán bộ quản lý của cổ đông (trong khi cho phép thành viên công ty TNHH khởi cán bộ quản lý!) vẫn là một thiếu sót của Luật Doanh nghiệp.
Trong bối cảnh ban kiểm soát hoạt động yếu kém như hiện nay và cổ đông không được quyền khởi kiện các cán bộ quản lý, quyền lực của họ hầu như không bị kiềm tỏa, dẫn đến tình trạng chung là coi thường quyền lợi của công ty và cổ đông mà chỉ lo vun vén cho lợi ích cá nhân.
Nghị định 102 - một bước tiến trong việc bảo vệ cổ đông nhỏ...
Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1-10-2010 có thể coi là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ các cổ đông nhỏ khi đã dành cho họ quyền khởi kiện các cán bộ quản lý khi có vi phạm trong điều hành công ty.
Theo điều 25 Nghị định 102, cổ đông có quyền tự mình khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc nếu họ (i) không thực hiện đúng, đầy đủ và kịp thời quyền và nhiệm vụ được giao trong điều lệ, nghị quyết hoặc quyết định của hội đồng quản trị hoặc đại hội đồng cổ đông; (ii) sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; (iii) lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; và (iv) các trường hợp khác theo luật hoặc điều lệ.
Nghị định 102 thể hiện sự quan tâm của nhà làm luật đến việc bảo vệ cổ đông nhỏ bằng việc bổ sung một cơ chế bảo vệ mà Luật Doanh nghiệp đã quên. Nó khẳng định rõ ràng cơ sở pháp lý để cổ đông khởi kiện các cán bộ quản lý vì lợi ích của mình hoặc lợi ích của công ty. Nghị định này còn răn đe các cán bộ quản lý và buộc họ phải ưu tiên cho lợi ích của công ty cũng như những hậu quả khi họ vi phạm các nghĩa vụ của mình.
... Nhưng vẫn còn đó sự nửa vời
Đã là cổ đông thì dù chỉ giữ một cổ phiếu, cũng là chủ của doanh nghiệp và phải có quyền khởi kiện - nhất là khi họ khởi kiện vì quyền lợi của doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ có lợi chứ không có thiệt hại do việc khởi kiện này. |
Nghị định 102 chỉ cho phép cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong sáu tháng mới có quyền khởi kiện hoặc yêu cầu ban kiểm soát khởi kiện (trong khi thành viên công ty TNHH không bị giới hạn tỷ lệ vốn góp tối thiểu này).
Chỉ sau 15 ngày nếu ban kiểm soát không trả lời bằng văn bản hoặc không tiến hành khởi kiện hoặc công ty không có ban kiểm soát thì cổ đông mới được quyền trực tiếp khởi kiện.
Trước hết, nói về thời hạn 15 ngày thông báo cho ban kiểm soát, đây có thể là quy định lợi bất cập hại. Trong 15 ngày này, các thông tin mà cổ đông cung cấp cho ban kiểm soát có thể bị rò rỉ cho các cán bộ quản lý liên quan. 15 ngày đó chẳng khác nào thời hạn để “đánh động” cho cán bộ quản lý để tạo điều kiện cho họ xóa bỏ chứng cứ, gây khó khăn cho việc khởi kiện của cổ đông. Theo chúng tôi, nên dành cho cổ đông quyền kiện thẳng ra tòa án mà không cần thông qua ban kiểm soát.
Tuy nhiên, quan trọng hơn là việc hạn chế đối tượng khởi kiện - tức là cổ đông nắm giữ dưới 1% hoặc nắm 1% nhưng không đủ sáu tháng liên tục sẽ không có quyền này. Có lẽ đây là sự nửa vời của Nghị định 102.
Một số quan điểm cho rằng hạn chế này để tránh trường hợp cổ đông lạm dụng quyền khởi kiện để phá rối. Tuy nhiên, theo người viết, quan điểm này cần phải được xem lại vì ít có cổ đông nào lại bỏ thời gian, công sức, tiền bạc... theo đuổi vụ kiện nếu họ không có cơ sở vững chắc, nhất là nếu họ thắng kiện, người được lợi đôi khi không phải là nhà đầu tư mà là doanh nghiệp.
Chỉ có cổ đông tâm huyết mới “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” như vậy. Đã là cổ đông thì dù chỉ giữ một cổ phiếu, cũng là chủ của doanh nghiệp và phải có quyền khởi kiện - nhất là khi họ khởi kiện vì quyền lợi của doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ có lợi chứ không có thiệt hại do việc khởi kiện này.
Hơn nữa, các cổ đông nhỏ - đối tượng chiếm đa số trong doanh nghiệp - mới là đối tượng cần được bảo vệ. Cơ sở nào để Nghị định 102 lại tước quyền của cổ đông nắm dưới 1% cổ phần. Tại sao lại có sự phân biệt đối xử vô lý giữa các cổ đông như vậy?
Chúng tôi cho rằng, để xem xét vấn đề này, cần xuất phát từ nghĩa vụ của các cán bộ quản lý. Nghĩa vụ tận tâm, cẩn trọng buộc quản trị viên phải điều hành doanh nghiệp được giao một cách tận tâm và cẩn thận như điều hành chính doanh nghiệp của mình. Nghĩa vụ trung thực và trung thành buộc quản trị viên phải công khai lợi ích liên quan đến doanh nghiệp và tách bạch các lợi ích cá nhân và lợi ích của doanh nghiệp.
Quản trị viên không thể sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp hoặc lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác, nói một cách nôm na là “ăn cây nào thì rào cây ấy”.
Như vậy, trong trường hợp các quản trị viên “ăn cây táo, rào cây sung”, thì bất cứ cổ đông nào không phân biệt tỷ lệ cổ phần nắm giữ cũng được quyền khởi kiện họ tại tòa án vì lợi ích của chính cổ đông hoặc của công ty. Do vậy, phải khuyến khích và mở rộng các đối tượng được quyền khởi kiện. Nên chăng cần sửa đổi điều 25 Nghị định 102 theo hướng này, chứ không nên hạn chế đối với cổ đông như hiện nay.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là một khi tòa án tuyên các cán bộ quản lý đã vi phạm nghĩa vụ đối với cổ đông hoặc công ty, hậu quả tiếp theo là thế nào? Như phân tích ở trên, họ phải chịu trách nhiệm dân sự.
Nhưng “trách nhiệm dân sự” là một khái niệm pháp lý rất rộng và ngay cả trong giới học thuật cũng chưa thống nhất. Cổ đông được phép yêu cầu tòa án áp dụng mọi biện pháp như bồi thường thiệt hại, chấm dứt hành vi vi phạm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ dân sự, xin lỗi, cải chính công khai về vi phạm... hay chỉ được chọn một trong số đó? Quan trọng hơn là cổ đông có được quyền yêu cầu tòa án bãi miễn chức danh quản lý hoặc cấm các cán bộ quản lý đảm nhận chức vụ này trong một thời gian không? Hoặc công ty có quyền dùng bản án như một cơ sở pháp lý để bãi miễn họ không?
Có lẽ đấy mới là vấn đề mà cổ đông quan tâm vì nếu chỉ buộc các cán bộ quản lý chấm dứt hành vi vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại, không thể loại trừ các vi phạm khác trong tương lai khi các cán bộ quản lý này vẫn tại vị. Đáng tiếc là Nghị định 102 chưa thể tìm được câu trả lời cho những vấn đề quan trọng này.
Hơn nữa, khi theo đuổi một vụ kiện, cổ đông phải tự chịu các chi phí liên quan như thù lao luật sư, án phí...Điều này là rào cản kinh tế cho các cổ đông tâm huyết theo đuổi vụ kiện. Nên chăng, cần có quy định buộc bên thua kiện - tức là các cán bộ quản lý có sai phạm phải hoàn trả lại các chi phí mà nhà đầu tư đã bỏ ra để theo đuổi vụ kiện?
Điều này là hợp lý vì nếu khởi kiện không có cơ sở, cổ đông đã bị tòa án bác yêu cầu, còn khi tòa án chấp nhận yêu cầu của họ thì bản án của tòa án minh chứng rõ ràng vi phạm của cán bộ quản lý và họ phải chịu chi phí cho các vi phạm này. Nghị định 102 cũng không đề cập đến vấn đề này