Hapro đang được định hướng là một tổng công ty kinh doanh đa ngành nghề.
UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội sẽ là chủ sở hữu của Tổng công ty Hapro và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với tổng công ty này.
Hapro sẽ tiếp tục có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, biểu tượng, được mở tài khoản tiền đồng Việt Nam và ngoại tệ tại ngân hàng trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Tổng công ty có trách nhiệm kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của Tổng công ty Thương mại Hà Nội trước khi chuyển đổi. Tổng công ty có vốn và tài sản riêng, tự chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ bằng toàn bộ tài sản của Tổng công ty.
Theo điều lệ được phê duyệt, ngành nghề kinh doanh chính của Hapro sẽ gồm: bán buôn thực phẩm; đồ uống; sản phẩm thuốc lá, thuốc lào; thiết bị linh kiện điện tử, viễn thông; đồ dùng khác cho gia đình; máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác; vải, hàng may sẵn, giày dép; Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, điện tử, viễn thông…
Ngoài ra, Hapro cũng được thực hiện các ngành nghề khác như: sản xuất bao bì bằng gỗ; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản; sản xuất giày dép; đường; cao su, sôcôla và mứt kẹo; dịch vụ lưu trú ngắn ngày; vận tải hàng hoá bằng đường bộ; quảng cáo; hoạt động thiết kế chuyên dụng; cho thuê tài chính,…
Hapro ra đời vào tháng 8/2004. Đến tháng 7/2010, Tổng công ty được chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH một thành viên. Ngoài các ngành nghề nêu trên, hiện Hapro cũng đang hoạt động, đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, cho thuê văn phòng.