- Việc làm không còn nằm trong điều kiện nhập hộ khẩu Hà Nội. Bản mới của dự thảo luật Thủ đô chỉ nêu yêu cầu về nhà ở.
Sau khi tiếp thu ý kiến của ĐBQH khóa XII, dự thảo luật Thủ đô được chỉnh sửa và dự kiến trình, thông qua theo quy trình một kỳ họp tại kỳ 4 QH khóa XIII cuối năm nay. Tuy nhiên những vấn đề còn cần xin ý kiến vẫn là đau đầu nhất: quản lý nhập cư, xử phạt hành chính và thu phí, lệ phí. Dự luật nhận được nhiều ý kiến phản biện khi trình lại Thường vụ QH ngày 17/8.
- Việc làm không còn nằm trong điều kiện nhập hộ khẩu Hà Nội. Bản mới của dự thảo luật Thủ đô chỉ nêu yêu cầu về nhà ở.
Sau khi tiếp thu ý kiến của ĐBQH khóa XII, dự thảo luật Thủ đô được chỉnh sửa và dự kiến trình, thông qua theo quy trình một kỳ họp tại kỳ 4 QH khóa XIII cuối năm nay. Tuy nhiên những vấn đề còn cần xin ý kiến vẫn là đau đầu nhất: quản lý nhập cư, xử phạt hành chính và thu phí, lệ phí. Dự luật nhận được nhiều ý kiến phản biện khi trình lại Thường vụ QH ngày 17/8.
Khó tránh nhập cư ồ ạt
Nhận định những năm gần đây, Hà Nội phải chịu áp lực ngày một lớn do tình trạng tăng dân cư quá nhanh, đặc biệt là ở nội thành, trong khi cơ sở hạ tầng và khả năng cung ứng dịch vụ công như giáo dục, y tế, giao thông… không thể đáp ứng kịp, ban soạn thảo gồm UBND TP và Bộ Tư pháp đề xuất quy định chặt chẽ hơn so với luật Cư trú.
“Có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú” là quy định dự kiến.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết so với dự thảo cũ, dự thảo lần này “đã loại bỏ các yêu cầu về việc làm”. Ông nhấn mạnh yêu cầu giảm mật độ dân cư cho khu vực nội thành để có điều kiện cải tạo khu vực này.
Đa số ý kiến Thường vụ đồng tình, nhưng Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu vẫn đề nghị nghiên cứu thêm các các công cụ gián tiếp như thuế, quy hoạch…
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng chia sẻ “trong xu thế đô thị hóa là tất yếu thì việc nhập cư ồ ạt là khó tránh”, quy hoạch phải đi trước một bước.
Phạt cao, tăng trách nhiệm
Sau khi luật Xử lý vi phạm hành chính cho phép các thành phố trực thuộc TƯ phạt cao hơn trong 3 lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ môi trường và giao thông đường bộ, dự luật Thủ đô đề nghị cho Hà Nội phạt cao hơn trong 3 lĩnh vực nữa là văn hoá, đất đai, xây dựng vì “tình hình vi phạm hành chính cũng đang hết sức phức tạp với tính chất, mức độ nguy hiểm, gây hậu quả lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu lực, hiệu quả và trật tự quản lý nhà nước ở Thủ đô”.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lưu ý luật Xử lý vi phạm hành chính vừa nâng mức phạt lên 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức, nay Hà Nội lại muốn phạt gấp đôi là điều cần cân nhắc. Khi thảo luận tại QH, không ít ý kiến cũng lo ngại mức phạt trong luật Xử lý vi phạm hành chính đã là quá cao.
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc thì thấy “phạt nặng gấp hai, ba lần đều không có ý nghĩa nếu người vi phạm sẵn sàng nộp tiền để giữ phần làm sai”, đặc biệt ở các vi phạm về xây dựng. Ông Phúc nhấn mạnh: “Quan trọng là các chế tài xử lý như yêu cầu dỡ bỏ, cắt ngọn… phải được thực hiện nghiêm”.
Từ đó, ông Nguyễn Văn Giàu góp ý “phạt cao hơn thì bộ máy công quyền phải có trách nhiệm hơn”.
Lưu ý người nghèo
Dự luật cũng dự kiến cho phép Hà Nội thu phí, lệ phí ở nội thành cao hơn không quá 2 lần so với mức chung trong các lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải.
Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trong Thi đồng ý hai lĩnh vực này, nhưng lưu ý “chỉ trường hợp cần thiết mới áp dụng” vì “động chạm quyền lợi chung”.
Ông Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình phải có quy chế chặt chẽ, không để thu tràn lan, vì như ông Nguyễn Văn Giàu chỉ ra: “Thủ đô Hà Nội vẫn có người nghèo, khó khăn như người thu nhập rất thấp, cán bộ hưu trí, lao động phổ thông…”.