Skip to content

Bán hàng đa cấp có vi phạm pháp luật không? Thực trạng bán hàng đa cấp tại Việt Nam

05/07/2024302 lượt đọc

Bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh phổ biến trên thế giới và được pháp luật Việt Nam cho phép, nhưng khi du nhập vào Việt Nam đã bị biến tướng và gây tranh cãi.

Hiểu đúng về bán hàng đa cấp

Bán hàng đa cấp (hay còn gọi là kinh doanh đa cấp) là hình thức bán hàng trực tiếp đến tay người dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối, đại lý bán hàng cá nhân, chia thành nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau.

Các nhà phân phối, đại lý bán hàng này không chỉ bán sản phẩm mà còn chiêu mộ những người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng của họ. Người bán hàng hưởng lợi từ việc bán hàng trực tiếp của mình và nhận phần trăm doanh số được tạo ra bởi mạng lưới những người bán khác do mình xây dựng.

Bán hàng đa cấp là gì
Bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh phân chia thành nhiều cấp bậc

Bán hàng đa cấp ở Việt Nam có vi phạm pháp luật không?

Bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam. Theo quy định trong Nghị định 40/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể thành lập công ty kinh doanh đa cấp và tổ chức bán hàng đa cấp sau khi được cấp Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp.

Bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam. Để thành lập công ty kinh doanh đa cấp và tổ chức bán hàng đa cấp, việc cần làm là:

  • Làm thủ tục thành lập công ty
  • Nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Nếu doanh nghiệp đã được thành lập từ trước đó (tức là đã có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) và nay muốn mở rộng sang lĩnh vực bán hàng đa cấp thì bạn chỉ cần nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. 

Bạn cần lưu ý rằng, hình thức bán hàng đa cấp chỉ được áp dụng đối với hàng hóa. Tuy nhiên, không phải loại hàng hóa nào cũng được phép bán hàng đa cấp. Dưới đây là các mặt hàng không được kinh doanh theo phương thức đa cấp:

  • Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm.
  • Sản phẩm nội dung thông tin số.
Bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh hợp pháp
Bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam

Thực trạng bán hàng đa cấp tại Việt Nam

Mặc dù bán hàng đa cấp là hợp pháp nhưng vẫn có một số công ty trong ngành này vi phạm quy định pháp luật và gây tiêu cực cho người tiêu dùng, làm xấu đi hình ảnh của cả ngành kinh doanh đa cấp trước công chúng. Điều này gây thiệt hại đáng kể cho các công ty kinh doanh đa cấp uy tín và chất lượng trong ngành, gây khó khăn cho việc xây dựng lòng tin và thiện cảm của người tiêu dùng.

Kinh doanh đa cấp xuất hiện ở Việt Nam vào thời điểm 1999 - 2000. Tính đến hết năm 2020, trên thị trường có 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp, đạt doanh thu hơn 15.400 tỷ đồng năm 2020 với tổng số lượng người tham gia hơn 800.000 người, giảm 272.618 người (khoảng 25%) so với cuối năm 2019. 

Các công ty kinh doanh đa cấp dẫn đầu về số lượng người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hiện nay có thể kể đến như Oriflame Việt Nam, Herbalife Việt Nam, Amway Việt Nam, New Image Việt Nam, Siberian Health,...

Thực tế cho thấy có nhiều người tham gia bán hàng đa cấp và có thu nhập cao. Song, vẫn có một số người dân chưa hiểu rõ về hình thức này nên bị lừa gạt, dụ dỗ tham gia các hình thức đa cấp biến tướng, lừa đảo, chịu tổn thất về tiền bạc và sức khỏe. 

Bản chất bán hàng đa cấp không xấu, không hề gian dối, nhưng vì mục đích trục lợi, lôi kéo khách hàng của một số người nên bán hàng đa cấp bị biến tướng thành nhiều hình thức lừa đảo khác nhau với các biểu hiện như thổi phồng công dụng sản phẩm, bán sản phẩm với giá cao hơn rất nhiều so công dụng thật của sản phẩm, bán những sản phẩm ảo, huy động vốn trả lãi ngay,...

Bán hàng đa cấp bị biến tướng khi du nhập vào Việt Nam
Bán hàng đa cấp thường bị lợi dụng, biến tướng khi du nhập về Việt Nam

Dấu hiệu nhận biết công ty bán hàng đa cấp lừa đảo

Đa cấp biến tướng có nhiều hình thái và còn tiếp tục thay đổi hình dạng theo sự phát triển của xã hội để thích nghi. Song, bạn vẫn có thể nhận biết công ty bán hàng đa cấp bất chính thông qua những dấu hiệu sau:

- Công ty không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

- Công ty hoặc người bán hàng yêu cầu người tham gia đặt cọc, mua hàng, đóng tiền để tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp.

- Hứa hẹn các khoản lợi nhuận, lãi suất khổng lồ với người tham gia.

đa cấp bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi
Đa cấp bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi

- Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu. Mục đích chính của hành vi này là nhằm lôi kéo càng nhiều người tham gia mạng lưới để chúng lừa được nhiều nạn nhân và thu được lợi ích lớn nhất. 

- Công ty, người bán cung cấp các thông tin sai lệch, gian dối về lợi ích tham gia mạng lưới và tính năng, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác bán hàng đa cấp.

- Không sử dụng hệ thống quản lý người tham gia bán hàng đa cấp đã đăng ký với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để quản lý người tham gia bán hàng đa cấp.

- Công ty không có hàng hóa để giao hoặc sau khi giao hàng nhưng không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không cam kết mua lại với giá tối thiểu 90% mức đã bán.

Theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, công ty bán hàng đa cấp phải giao đầy đủ hàng hóa trong vòng 30 ngày từ ngày người tham gia thanh toán tiền mua hàng. 

Đồng thời, người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ công ty đa cấp, bao gồm cả hàng hóa đã được mua theo chương trình khuyến mại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng mà không cần bất cứ lý do gì và doanh nghiệp phải mua lại với giá thấp nhất bằng 90% số tiền mà người tham gia đã trả.

5/5 (1 bầu chọn)