Sau khi đã hoàn tất thủ tục hồ sơ và nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia đã ghi nhận và hiển thị trạng thái doanh nghiệp đang hoạt động. Lúc này chủ doanh nghiệp cần thực hiện những việc gì để tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành và đưa công ty vào vận hành ngay? Dưới đây là những gợi ý về các việc nên làm sau khi nhận được Giấy chứng nhận thành lập công ty mà Luật sư An Việt muốn chia sẻ đến bạn.
1. Công bố thành lập công ty
Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định rõ, doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thời hạn tối đa công bố công khai các thông tin về doanh nghiệp là 30 ngày, kể từ ngày được công khai.
2. Treo bảng hiệu công ty
Để thuận tiện trong việc đón tiếp khách hàng, đối tác và kinh doanh hiệu quả việc tiếp theo mà doanh nghiệp nên làm sau khi thành lập đó là treo bảng hiệu tại trụ sở chính của công ty. Bảng hiệu không quy định cụ thể về kích cỡ, chất liệu tuy nhiên cần phải có đầy đủ các thông tin liên quan đến công ty: Tên đầy đủ, địa chỉ, mã số thuế,... Thông tin này cần chính xác và khớp với nội dung đăng ký ký doanh nếu không có thể sẽ gặp rắc rối khi cán bộ thuế đột xuất đi kiểm tra.
Trường hợp, công ty không có bảng hiệu thì cơ quan có thẩm quyền có quyền ra quyết định công ty không hoạt động tại trụ sở đăng ký và chắc chắn điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh cũng như vấn đề xuất hóa đơn của doanh nghiệp.
3. Khai và nộp thuế môn bài
Khi công ty mới thành lập thì thời hạn nộp thuế môn bài sẽ là ngày cuối cùng của tháng thành lập công ty (tháng ghi trên giấy phép kinh doanh).
Nếu doanh nghiệp mới thành lập và chưa có các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì thời hạn khai và nộp thuế môn bài là 30 ngày kể từ ngày thành lập (ngày được ghi trên giấy phép kinh doanh).
Mức thuế môn bài phải đóng tùy vào vốn đăng ký ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư của doanh nghiệp:
- Nếu công ty thành lập trong 6 tháng đầu năm thì phải nộp thuế môn bài cho cả năm. Ví dụ: Công ty thành lập vào tháng 4/2020 thì phải đóng thuế môn bài cho cả năm 2020.
- Nếu công ty thành lập trong 6 tháng cuối năm thì phải nộp thuế môn bài cho nửa năm. Ví dụ: Công ty thành lập vào tháng 7/2020 thì phải đóng thuế môn bài cho 6 tháng cuối năm 2020.
Doanh nghiệp có thể tham khảo mẫu hồ sơ khai lệ phí môn bài cho doanh nghiệp theo mẫu 01/MBAI (được ban hành kèm theo Nghị định 139/2016/NĐ-CP của Bộ Tài chính).
4. Khai và thực hiện nghĩa vụ thuế Giá trị gia tăng (GTGT/VAT)
Khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
Theo quy định mới nhất thì khi công ty mới thành lập sẽ áp dụng phương pháp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Hồ sơ khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ gồm:
- Tờ khai thuế GTGT theo mẫu số 01/GTGT.
- Bảng kê các loại hóa đơn, chứng từ sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đã mua vào (01-2/GTGT)
- Báo cáo tình hình doanh nghiệp sử dụng hóa đơn mẫu BC26 theo tháng hoặc theo quý.
Khai thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp
Phương pháp này sẽ được tính trực tiếp trên doanh thu thực tế của doanh nghiệp. Hồ sơ khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp gồm:
- Tờ khai thuế GTGT theo mẫu số 04/GTGT hoặc mẫu số 03/GTGT
- Bảng kê các loại hóa đơn, chứng từ sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đã bán ra theo mẫu 04-1/GTGT
Công ty mới thành lập thì việc khai và nộp thuế GTGT sẽ được thực hiện theo quý áp dụng đồng thời cả hai phương pháp tính thuế GTGT như bên trên.
Thời hạn kê khai và nộp thuế GTGT: Thời hạn mà doanh nghiệp cần phải hoàn tất hồ sơ khai thuế GTGT theo quý chậm nhất là ngày 30 sau khi kết thúc quý. Sau 1 năm thành lập, từ năm dương lịch tiếp theo việc khai thuế GTGT theo tháng hoặc theo quý sẽ được tính dựa vào doanh thu từ việc bán hàng hóa, dịch vụ của năm dương lịch trước liền kề.
5. Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử
Theo Luật doanh nghiệp mới nhất thì tất cả doanh nghiệp mới thành lập từ năm 2019 đều phải đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Do đó, khi thành lập công ty chủ doanh nghiệp nên liên hệ với các nhà cấp hóa đơn điện tử uy tín tại Việt Nam như: Viettel, VNPT, Vina, … để được hỗ trợ hoàn tất thủ tục này.
6. Khai và thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Thuế thu nhập doanh nghiệp (viết tắt là TNDN) sẽ được khai tạm theo quý, khai quyết toán theo năm, khai quyết toán khi doanh nghiệp hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, chia, tách hoặc tuyên bố giải thể, chấm dứt hoạt động…
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế TNDN:
- Thời hạn cuối cùng để doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế TNDN tạm tính: Ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
- Thời hạn cuối cùng để nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm: Ngày thứ 90 tính từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc kết thúc năm tài chính của doanh nghiệp.
Thủ tục, hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN gồm có: Tờ khai quyết toán thuế TNDN theo mẫu số 03/TNDN cùng với phụ lục đi kèm theo quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC 06/11/2013.
7. Đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
Doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm kê khai quyết toán thuế thay cho cá nhân mà doanh nghiệp trả thu nhập nếu được ủy quyền. Trường hợp không phát sinh trả thu nhập trong năm thì doanh nghiệp sẽ không phải khai quyết toán thuế TNCN nhưng doanh nghiệp vẫn phải nộp tờ khai quyết toán thuế TNCN theo năm.
Việc khai thuế TNCN theo tháng hoặc theo quý được xác định 01 lần kể từ tháng đầu tiên có phát sinh khấu trừ thuế TNCN và sẽ căn cứ vào đó để áp dụng cho cả năm:
- Nếu tổ chức/cá nhân trả thu nhập phát sinh số thuế khấu trừ trong tháng của ít nhất một loại tờ khai TNCN trên 50 triệu đồng thì khai thuế theo tháng.
- Trường hợp tổ chức/cá nhân trả thu nhập không thuộc diện khai thuế TNCN theo tháng thì thực hiện khai thuế TNCN theo quý.
8. Mở tài khoản ngân hàng cho công ty
Khi thành lập công ty xong thì chủ doanh nghiệp cần nhanh chóng mở tài khoản ngân hàng để thuận tiện giao dịch với khách hàng, đối tác đồng thời phải thông báo số tài khoản ngân hàng của công ty đến Sở KH & ĐT nơi công ty đặt trụ sở.
9. Thiết lập đội ngũ kế toán nội bộ
Kế toán là đội ngũ quản lý kinh tế nên có vai trò rất quan trọng trong doanh nghiệp. Khi thành lập công ty cần tuyển dụng ngay đội ngũ kế toán để quản lý tài chính công ty.
10. Đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH)
Mặc dù doanh nghiệp mới thành lập nhưng nếu đã sử dụng lao động và ký hợp đồng với người lao động có thời hạn từ 01 tháng trở lên thì đều thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó, doanh nghiệp cần có người đại diện đến cơ quan BHXH địa phương để làm hồ sơ đóng BHXH cho nhân viên.
Thời hạn đóng BHXH cho người lao động là trong vòng 30 ngày kể từ ngày Hợp đồng lao động mà 02 bên ký kết có hiệu lực.
Bên trên là những việc mà doanh nghiệp nên làm ngay sau khi nhận được Giấy chứng nhận thành lập công ty mà Luật sư An Việt muốn chia sẻ đến bạn. Tham khảo ngay để thành lập công ty với khởi đầu thuận buồm xuôi gió.