Skip to content

Những loại giấy phép kinh doanh thông dụng hiện nay

07/03/2024279 lượt đọc

Giấy phép kinh doanh chứng minh cá nhân hay tổ chức được phép kinh doanh một số ngành nghề nhất định, thường được cấp sau khi hoàn tất đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Thế nào là giấy phép kinh doanh?

Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, Giấy phép kinh doanh được giải thích là "giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, văn bản xác nhận, các hình thức văn bản khác quy định các điều kiện mà cá nhân, tổ chức phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức đó theo quy định của pháp luật."

Hiểu một cách đơn giản thì giấy phép kinh doanh là chứng nhận hợp pháp chứng minh doanh nghiệp được phép kinh doanh những ngành nghề có điều kiện. Chỉ khi doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện của ngành nghề kinh doanh thì sẽ được Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh. 

cap-lai-giay-phep-kinh-doanh-thanh-lap-doanh-nghiep

Thông thường, giấy phép kinh doanh được cấp sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Giấy phép kinh doanh sẽ được cấp dưới các hình thức như: giấy phép, giấy xác nhận, văn bản xác nhận hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh,… 

Trong trường hợp làm mất hay làm hỏng giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp có thể sẽ gặp rắc rối khi cơ quan chức năng đến kiểm tra đột xuất cũng như không thể thực hiện thủ tục vay vốn ngân hàng, đăng ký dịch vụ viễn thông,... Do đó, doanh nghiệp nên đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh càng sớm càng càng tốt để hoạt động kinh doanh diễn ra thuận lợi.

Các loại giấy phép kinh doanh phổ biến 

Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì cần tiếp tục thực hiện thủ tục xin giấy phép kinh doanh. 

Doanh nghiệp có thể tra cứu Danh mục danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để xác định ngành nghề mà doanh nghiệp dự định kinh doanh có thuộc ngành kinh doanh có điều kiện hay không.

Sau đây là một số loại giấy phép kinh doanh của một số ngành nghề có điều kiện:

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự khi kinh doanh cho thuê lưu trú, kinh doanh dịch vụ bảo vệ, kinh doanh karaoke, kinh doanh dịch vụ đòi nợ

 - Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy đối với ngành nghề kinh doanh khách sạn, nhà hàng, nhà ở, quán karaoke, cửa hàng xăng dầu

- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các ngành nghề, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chế biến thực phẩm

- Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu

- Giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

- Giấy phép kinh doanh bán buôn rượu, giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu đối với ngành nghề kinh doanh rượu, thức uống có cồn

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, kinh doanh xổ số, kinh doanh bán hàng miễn thuế

- Giấy phép kinh doanh vận tải đối với ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, xe taxi

- Giấy phép cung cấp dịch vụ số như giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng, giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử

- Giấy phép kinh doanh du lịch lữ hành nội địa, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế đối với ngành nghề kinh doanh du lịch, lữ hành,...

cap-lai-giay-phep-kinh-doanh-thanh-lap-doanh-nghiep

Nội dung của giấy phép kinh doanh

Nội dung của giấy phép kinh doanh phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh và loại giấy kinh doanh mà bạn muốn được cấp. Nhìn chung, giấy phép kinh doanh thường bao gồm những nội dung sau:

  • Tên doanh nghiệp bao gồm tên đầy đủ và tên viết tắt, tên nước ngoài
  • Mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số xuất nhập khẩu
  • Địa chỉ trụ sở chính và người đại diện theo pháp luật
  • Ngành nghề kinh doanh
  • Phạm vi các hoạt động kinh doanh
  • Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
  • Thời hạn của giấy phép bao gồm ngày cấp
  • Các nội dung khác được cập nhật

Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh

Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh phụ thuộc vào đối tượng được cấp và ngành nghề kinh doanh.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp trong nước

Dựa theo ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó để được cấp giấy phép kinh doanh.

Về cơ bản, các điều kiện thường là:

  • Điều kiện về cơ sở vật chất
  • Điều kiện về chứng chỉ hành nghề
  • Điều kiện về vốn pháp định

Đối với tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài

Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép kinh doanh tại Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP như sau.

- Nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên:

  • Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
  • Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp GPKD
  • Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên

- Nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên:

  • Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh
  • Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên
  • Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành
  • Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động
  • Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước
  • Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước
cap-lai-giay-phep-kinh-doanh-thanh-lap-doanh-nghiep

Những đối tượng không cần đăng ký kinh doanh

Theo Khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, các đối tượng không cần đăng ký kinh doanh bao gồm:

  • Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối.
  • Những người bán hàng rong, quà vặt.
  • Những người buôn chuyến (hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc ng­ười bán lẻ)
  • Những người kinh doanh lưu động (bán hàng tích hợp trên những phương tiện di chuyển như xe đẩy, xe máy, xe tải nhỏ…).
  • Những người làm dịch vụ có thu nhập thấp (đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe,...)
cap-lai-giay-phep-kinh-doanh-thanh-lap-doanh-nghiep-ban-hang-rong-khong-phai-dang-ky-kinh-doanh

Lưu ý: Nếu bạn thuộc các đối tượng nêu trên thì không phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, ngoài các dịch vụ đó mà bạn còn kinh doanh thêm các ngành, nghề có điều kiện thì vẫn phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

5/5 (1 bầu chọn)