Quyết định thành lập công ty xuất khẩu lao động là một quyết định lớn và cần được xem xét kỹ lưỡng. Với cơ hội rộng mở trong ngành và nhu cầu lớn từ các thị trường trọng điểm, công ty xuất khẩu lao động có thể mang lại tiềm năng kinh doanh lớn nếu có tầm nhìn chiến lược và khả năng tận dụng cơ hội để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng và kiếm lợi nhuận từ dịch vụ xuất khẩu lao động.
Cơ hội trong ngành xuất khẩu lao động
Ngành xuất khẩu lao động đang trở thành một lĩnh vực ngày càng hấp dẫn và tiềm năng. Nhu cầu lao động nước ngoài đang tăng lên do các nước cần nguồn lao động để phục hồi kinh tế và sản xuất. Một số quốc gia còn nới lỏng các quy định để thu hút người nước ngoài đến làm việc. Chẳng hạn, nước Đức đã áp dụng Luật Nhập cư mới cho phép người nước ngoài có hơn 2 năm kinh nghiệm nghề nghiệp được định cư tại nước này. Đặc biệt, vị trí kỹ sư tin học không yêu cầu phải biết tiếng Đức. Chính phủ Đức còn khuyến khích người nước ngoài đến học nghề rồi ở lại làm việc lâu dài trong nước.
Ngành xuất khẩu lao động không chỉ mang đến cơ hội việc làm ổn định mà còn giúp người lao động tích lũy được một số vốn đáng kể sau khoảng thời gian làm việc từ 3-5 năm. Do đó, ngày càng có nhiều lao động quan tâm đến việc xuất khẩu lao động và số lượng người lao động tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang gia tăng.
Theo báo cáo của Eurostat, tình trạng thiếu người lao động là một vấn đề chung đối với nhiều nước châu Âu. Các quốc gia như Đức, Anh, Pháp, Ý cùng với Ba Lan, Romania, Hungary, Cộng hòa Czech... đều đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đủ nguồn nhân lực ở mọi ngành nghề. Các vị trí từ kỹ sư tin học, y tá, hộ lý cho đến phụ bếp, nhân viên phục vụ và công nhân xây dựng đều đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự.
Với sự thiếu hụt lao động ở một số quốc gia và ngành nghề cụ thể, các công ty xuất khẩu lao động có cơ hội cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các thị trường này. Bằng cách phát triển và đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, công ty có thể đáp ứng nhu cầu lao động đa dạng và tận dụng cơ hội thị trường.
Cơ hội rộng mở là vậy, nhưng bạn đọc cần lưu ý rằng quá trình thành lập công ty xuất khẩu lao động và vận hành công ty yêu cầu kiến thức và kỹ năng quản lý kinh doanh, cũng như hiểu biết về lĩnh vực xuất khẩu lao động và quy định pháp luật liên quan.
Thị trường xuất khẩu lao động
Thực tế, nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới có thị trường xuất khẩu lao động phát triển và thu hút sự quan tâm từ các công ty xuất khẩu lao động và cá nhân muốn tham gia vào lĩnh vực này.
Thị trường trọng điểm (thị trường truyền thống)
Các nước thuộc khu vực Đông Bắc Á bao gồm Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc là những thị trường trọng điểm về xuất khẩu lao động của Việt Nam. Thị trường này tiếp nhận khoảng 90% số lao động ra nước ngoài làm việc và giữ liên tục trong nhiều năm liền. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, các thị trường này đã tiếp nhận khoảng 89% đến 95% tổng số lao động nước ngoài là người Việt Nam đến làm việc.
Khu vực Đông Bắc Á sở hữu nhiều đặc điểm phù hợp và hấp dẫn lao động Việt Nam. Thứ nhất, phần lớn các nước thuộc khu vực này là các nước phát triển, trả lương cao cho người lao động. Các nước này cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn, đa dạng ngành nghề như sản xuất, chế tạo, xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp,... Hầu hết người lao động Việt Nam có trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng phù hợp với các ngành nghề này. Ngoài ra, khoảng cách địa lý gần, văn hóa tương đồng cũng là những yếu tố thu hút lao động nước ta tại khu vực Đông Bắc Á.
Tại Nhật Bản, người Việt Nam là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai ở Nhật Bản (khoảng 500.000 người tính đến thời điểm hiện tại),trong đó có hơn 350.000 lao động đang làm việc.
Tại Hàn Quốc, trong 3 năm gần đây nước này đã tăng thị thực E-9 từ 52.000 người vào năm 2021 lên 69.000 người vào năm 2022 và năm 2023 lên 120.000 người. Điều đó cho thấy Hàn Quốc đang có nhu cầu rất lớn về nhân lực. Để thu hút người lao động có trình độ cao, Hàn Quốc đã thêm một ưu đãi quan trọng nữa là người lao động nước ngoài có tay nghề cao trong lĩnh vực sản xuất chế tạo sẽ được ở lại Hàn Quốc tới 10 năm mà không cần làm thủ tục xuất cảnh rồi quay trở lại.
Tại Đài Loan, chính phủ nước này đã quyết định tăng lương cơ bản cho người lao động kể từ ngày 1/1/2024. Mức lương của người lao động nước ngoài tại Đài Loan từ đầu năm 2024 là 27.470 Đài tệ/ tháng (tương đương 21,4 triệu đồng),tăng hơn 4% so với mức hiện hành.
Thị trường tiềm năng
Những năm gần đây, thị trường lao động Châu Âu dần nhận được rất nhiều sự quan tâm của người lao động, công ty xuất khẩu lao động hoặc doanh nghiệp dự định thành lập công ty xuất khẩu lao động.
Kể từ sau đại dịch, các quốc gia châu Âu rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng, kéo theo nhu cầu tuyển dụng tăng cao. Vì vậy, điều kiện tuyển dụng cũng bớt khắt khe hơn, phúc lợi tăng lên để thu hút người lao động nước ngoài. So với thị trường xuất khẩu lao động châu Á thì mức thu nhập của thị trường xuất khẩu lao động châu Âu cũng cao hơn đối với đa số ngành nghề.
Đức đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trong nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, cơ khí, xây dựng, nhà hàng - khách sạn và du lịch, công nghệ thông tin, điện - điện tử và nhiều ngành nghề khác. Vì vậy, Chính phủ Đức đã chủ động tìm kiếm nhân lực nước ngoài từ bên ngoài Liên minh châu Âu để bổ sung, đồng thời thực hiện một số thay đổi chính sách để thu hút lao động đến từ các quốc gia khác.
Ngoài các nền kinh tế lớn như Đức, Anh, Pháp và Ý, các quốc gia như Ba Lan, Romania, Hungary và Cộng hòa Séc cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn. Điển hình là Hungary ngày càng thu hút sự quan tâm của người lao động Việt Nam có mong muốn làm việc tại châu Âu. Người lao động khi sang Hungary không chỉ được hưởng mức lương hấp dẫn, mà còn được hỗ trợ tiền ăn, chỗ ở, chi phí đi lại làm việc và vé máy bay khứ hồi.
Chi phí sang Hungary làm việc thuộc mức hợp lý, thậm chí thấp hơn một số thị trường truyền thống. Các công việc tại đây cũng phù hợp với người lao động Việt Nam, bao gồm thợ hàn, đốc công, xây dựng, sản xuất chế tạo, chế biến gỗ, hái nấm trong nhà, khách sạn - nhà hàng và nhiều ngành nghề khác.
Bên cạnh việc ký kết thỏa thuận với một số quốc gia châu Âu và đang tiến hành các nỗ lực khác, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm đến việc tiếp cận các quốc gia có nhu cầu lao động lớn như Úc và Canada.
Canada được đánh giá là một trong những quốc gia có môi trường làm việc tốt, thu nhập cao, đời sống ổn định và hệ thống an sinh xã hội tốt. Gần đây, Canada đã công bố các mục tiêu nhập cư mới, dự định tiếp nhận khoảng 500.000 người nhập cư mỗi năm cho đến năm 2025. Điều này không chỉ giúp giải quyết vấn đề thiếu lao động mà còn tạo ra cơ hội mới cho người lao động Việt Nam và công ty xuất khẩu lao động Việt Nam.
Úc cũng được xem là một thị trường tiềm năng cho người lao động Việt Nam. Úc có nhu cầu lớn về lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, cơ khí, công nhân nhà máy,... với mức lương tối thiểu hơn 1,1 tỷ đồng mỗi năm.
Ngành xuất khẩu lao động không chỉ có lợi cho người lao động và công ty xuất khẩu lao động, mà còn đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của quốc gia. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về thị trường xuất khẩu lao động hiện nay trước khi quyết định thành lập công ty xuất khẩu lao động.
(Tham khảo: nld.com.vn)