Skip to content

Lợi ích và hạn chế khi thành lập chi nhánh công ty

09/11/2023947 lượt đọc

Thành lập chi nhánh công ty có thể mang lại nhiều lợi ích và cơ hội, nhưng cũng đi kèm với một số hạn chế. Luật sư An Việt phân tích các lợi ích, hạn chế chính cùng với lời khuyên cho bạn.

Chi nhánh công ty, còn gọi là chi nhánh doanh nghiệp hoặc chi nhánh, là một đơn vị trực thuộc doanh nghiệp và được thành lập nhằm mở rộng quy mô, thị trường kinh doanh của doanh nghiệp.

1. Chi nhánh là gì?

Chi nhánh là gì?
Chi nhánh là gì?

Theo khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020: “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.” 

Chi nhánh công ty thường nằm ở các địa điểm, quốc gia khác nhau hoặc khu vực khác nhau để tập trung cung cấp dịch vụ, sản phẩm hoặc hỗ trợ cho khách hàng ở thị trường địa phương đó. 

2. Lợi ích và hạn chế khi thành lập chi nhánh công ty

2.1. Lợi ích 

Lợi ích thành lập chi nhánh
Lợi ích thành lập chi nhánh

Mở rộng thị trường

Bất kỳ doanh nghiệp nào đang cân nhắc việc mở rộng thị trường sang địa phương, quốc gia hoặc khu vực mới thì có thể xem xét phương án thành lập chi nhánh công ty. Chi nhánh có thể thực hiện toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty như thu mua nguyên vật liệu, sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ, dịch vụ hậu mãi,...

Mỗi khu vực thị trường sẽ có đặc điểm khác nhau về pháp luật, văn hóa xã hội, hành vi khách hàng,... Doanh nghiệp thành lập chi nhánh sẽ dễ dàng tiếp cận và xây dựng mối quan hệ với khách hàng và đối tác mới. 

Chi nhánh sẽ đại diện doanh nghiệp tìm hiểu về nhu cầu của thị trường, môi trường pháp luật, văn hóa - xã hội, hành vi mua của khách hàng, đối thủ cạnh tranh... từ đó cung cấp sản phẩm thích hợp, nhanh chóng, giảm chi phí vận chuyển và tăng sự hài lòng của khách hàng.

Tận dụng nguồn lực

Ngoài ra, một mình doanh nghiệp sẽ khó kiểm soát hoạt động kinh doanh cùng lúc ở nhiều thị trường do hạn chế về nguồn lực. Việc đặt chi nhánh tại mỗi khu vực thị trường mà doanh nghiệp dự định kinh doanh sẽ giúp tận dụng lợi thế của từng khu vực, bao gồm nhân lực, nguyên liệu và cơ sở hạ tầng. 

Nhìn chung, các doanh nghiệp toàn cầu thường ưu tiên đặt chi nhánh tại các quốc gia có chi phí nhân công rẻ, nguyên liệu dồi dào, hành lang pháp lý thông thoáng và cơ sở hạ tầng ổn định như Việt Nam, Trung Quốc,... 

Mức độ kiểm soát cao

Thành lập chi nhánh công ty là hình thức kinh doanh mang lại mức độ kiểm soát cao hơn so với thành lập công ty con. Vì chi nhánh là đơn vị hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp, có nghĩa là toàn bộ hoạt động của chi nhánh sẽ được doanh nghiệp (trụ sở chính) giám sát hoàn toàn và do doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. 

Giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh

Thành lập chi nhánh có thể giúp doanh nghiệp giảm rủi ro nhờ đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Nếu một thị trường bị tác động bởi yếu tố ngoại vi như thay đổi chính sách hoặc khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp có thể đóng cửa chi nhánh ở khu vực đó mà không làm ảnh hưởng các chi nhánh ở khu vực khác. 

Như vậy, tình hình tài chính của doanh nghiệp cũng sẽ không bị tác động quá nhiều vì các chi nhánh khác vẫn kinh doanh ổn định và mang về lợi nhuận cho doanh nghiệp.

2.2. Rủi ro, hạn chế

Mặc dù thành lập chi nhánh giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh nhưng vẫn sẽ đi kèm một số rủi ro, hạn chế nhất định.

Hạn chế về thành lập chi nhánh
Hạn chế về thành lập chi nhánh

Chi phí đầu tư ban đầu

Thành lập chi nhánh doanh nghiệp đòi hỏi một khoản đầu tư tài chính ban đầu đáng kể. Chi phí đầu tư thậm chí có thể là một rào cản đối với các doanh có nguồn lực tài chính hạn chế. Khi đó, doanh nghiệp cần thuê mặt bằng, mua thiết bị, thuê nhân sự và một số chi phí duy trì khác. 

Quản lý từ xa

Các chi nhánh thường nằm ở vị trí xa trụ sở chính của doanh nghiệp, ví dụ như khác thành phố, quốc gia nên việc giao tiếp và liên lạc trở nên phức tạp hơn. Sự chênh lệch ngôn ngữ, múi giờ và khoảng cách địa lý có thể gây trở ngại trong việc truyền đạt thông tin và giữ liên lạc thường xuyên giữa các chi nhánh. 

Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có một hệ thống quản lý mạnh mẽ và công cụ liên lạc hiệu quả để đảm bảo sự liên kết và đồng bộ hoạt động giữa các chi nhánh. 

3. Lời khuyên

Nhằm giảm thiểu những hạn chế, rủi ro cho chính nhánh, điều quan trọng là doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh rõ ràng và theo dõi sát sao toàn bộ chi nhánh trong hệ thống. Sau đây là một số lời khuyên mà doanh nghiệp có thể tham khảo.

Kiểm tra sức khỏe doanh nghiệp

Kiểm tra sức khỏe doanh nghiệp là một quá trình đánh giá tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, mức độ nhận diện của thương hiệu trên thị trường. Trước khi quyết định thành lập chi nhánh, doanh nghiệp cần "kiểm tra sức khỏe" để xác định vị trí của doanh nghiệp trên thị trường và xác định các vấn đề cần giải quyết hoặc cải thiện. 

Sau khi hoàn thành kiểm tra, bạn sẽ có một cái nhìn tổng quan về tình hình chung của doanh nghiệp từ lúc thành lập doanh nghiệp cho đến thời điểm đo lường và làm căn cứ để đưa ra các quyết định về chiến lược kinh doanh, mở rộng thị trường. Bạn có thể thuê chuyên gia tư vấn để “khám sức khỏe” doanh nghiệp nếu không thể tự kiểm tra và cần đánh giá khách quan từ người có chuyên môn. 

Sau khi kiểm tra, nếu có chi nhánh kinh doanh không hiệu quả, doanh nghiệp có thể điều chỉnh lại hoạt động của chi nhánh hoặc cân nhắc đến việc loại bỏ chúng để tập trung vào các chi nhánh sinh lợi hơn. 

Nghiên cứu thị trường 

Thành lập chi nhánh thể hiện việc doanh nghiệp muốn gia nhập và phát triển tại thị trường mới. Nếu kinh doanh ở thị trường quốc gia khác, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với các vấn đề khác biệt về pháp luật, văn hóa, tự nhiên... và có thể phải cạnh gay gắt với doanh nghiệp nội địa lẫn doanh nghiệp nước ngoài. 

Dó đó, nghiên cứu thị trường sẽ giúp công ty nắm vững các quy định pháp lý, hòa nhập văn hóa địa phương để đảm bảo rằng công ty có thể đối phó và tận dụng cơ hội trong thị trường đó. 

Đào tạo nhân sự

Chi nhánh công ty nằm ở các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác nhau sẽ có nhận thức và thói quen khác biệt. Để hạn chế xảy ra xung đột trong hệ thống chi nhánh thì doanh nghiệp cần đảm bảo rằng nhân viên ở các chi nhánh có cùng hiểu biết, kỹ năng và thống nhất trong cách làm việc. Đồng thời, doanh nghiệp nên có chính sách đầu tư, hỗ trợ đào tạo và phát triển nhân viên nhằm khuyến khích họ hiểu và thực hiện các giá trị và mục tiêu tổ chức một cách đồng nhất.

Qua những lợi ích và hạn chế của việc thành lập chi nhánh, hãy chuẩn bị kế hoạch phát triển cho doanh nghiệp của bạn một cách cẩn thận. Bằng cách này, bạn có thể tránh được các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển của doanh nghiệp cũng như mở đường cho doanh nghiệp kinh doanh thành công trên nhiều thị trường.

5/5 (2 bầu chọn)