Skip to content

Đăng ký thương hiệu hay đăng ký nhãn hiệu - Nói sao cho đúng? Hồ sơ thủ tục

18/08/202413 lượt đọc

Khi thành lập doanh nghiệp, nhiều người thường nhầm lẫn giữa "Đăng ký thương hiệu" và "Đăng ký nhãn hiệu". Để giải thích rõ ràng, Luật sư An Việt sẽ giúp bạn phân biệt hai khái niệm này cũng như hướng dẫn quy trình đăng ký một cách đầy đủ, chi tiết. 

Khái niệm nhãn hiệu và thương hiệu

Thương hiệu là một hoặc tập hợp các yếu tố giúp nhận biết, phân biệt sản phẩm, doanh nghiệp này với sản phẩm, doanh nghiệp khác; là hình tượng của sản phẩm, doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng. (Theo Nguyễn Quốc Thịnh, giáo trình Quản trị thương hiệu)

Nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải là những dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. (Theo Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam)

Logo của các thương hiệu
Logo của các thương hiệu

Đăng ký nhãn hiệu hay đăng ký thương hiệu? Nói sao cho đúng?

Như định nghĩa đã nêu trên, thương hiệu bao gồm cả yếu tố hữu hình và yếu tố vô hình. Yếu tố hữu hình là những yếu tố có thể cảm nhận bằng các giác quan của con người (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác),đối lập với yếu tố hữu hình là yếu tố vô hình.

Trong đó, yếu tố hữu hình là các yếu tố giúp nhận biết, phân biệt sản phẩm, doanh nghiệp này với sản phẩm, doanh nghiệp khác, bao gồm các yếu tố như logo, tên thương hiệu, biểu tượng, biểu trưng (logo),kiểu dáng đặc trưng của sản phẩm. Ví dụ: nhìn vào logo quả táo cắn dở ở mặt sau điện thoại là chúng ta nhận ra ngay đó là điện thoại iPhone của thương hiệu Apple. 

Logo của Apple
Logo quả táo cắn dở của Apple trên sản phẩm iPhone

Còn yếu tố vô hình là hình tượng của sản phẩm, doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng. Ví dụ: nhắc đến Apple là chúng ta nghĩ đến sự sang trọng, cao cấp. 

Yếu tố vô hình rất khó xác định và kiểm soát vì nó thiên về thế giới tinh thần, phụ thuộc nhiều vào suy nghĩ chủ quan của con người. 

Vì thế, trong thực tế, pháp luật chỉ bảo vệ những yếu tố hữu hình của thương hiệu, tương đương với nhãn hiệu. Do đó, thuật ngữ thương hiệu được sử dụng nhiều trong thương mại, còn thuật ngữ nhãn hiệu được sử dụng nhiều trong các văn bản pháp luật. 

Như vậy, không có văn bản pháp luật nào quy định về đăng ký bảo hộ thương hiệu mà chỉ có quy định về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Do đó, chúng ta không thể nói “đăng ký bảo hộ thương hiệu” mà chỉ có thể nói “bảo hộ thương hiệu dưới hình thức đăng ký nhãn hiệu”, đồng nghĩa với việc chỉ có thể bảo hộ các yếu tố hữu hình của thương hiệu. Tóm lại, đăng ký nhãn hiệu là thuật ngữ chính xác về mặt pháp lý. Khi thành lập doanh nghiệp, một trong những thủ tục mà bạn cần thực hiện là đăng ký nhãn hiệu.

Quy trình đăng ký nhãn hiệu (hồ sơ, thủ tục, thời hạn)

Trên hành trình thành lập doanh nghiệp (bất kể là thành lập công ty xuất khẩu lao động, thành lập công ty phần mềm, thành lập công ty chứng khoán,...),đăng ký nhãn hiệu là bước đầu tiên, không thể thiếu để xây dựng thương hiệu, giúp doanh nghiệp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, khẳng định vị thế và tạo dựng uy tín trên thị trường.

Bước 1: Tra cứu nhãn hiệu

Trước khi nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, bạn cần kiểm tra nhãn hiệu mà mình dự định đăng ký có bị trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu đã được đăng ký trước rồi không để kịp thời sửa đổi (nếu trùng),tránh mất thời gian, chi phí. Bởi nếu nhãn hiệu của bạn trùng với nhãn hiệu đã đăng ký trước đó rồi thì đơn đăng ký nhãn hiệu của bạn sẽ bị từ chối. 

Cách tra cứu nhãn hiệu:

- Tra cứu sơ bộ miễn phí trên trang web:

  • https://wipopublish.ipvietnam.gov.vn
  • www.wipo.int/madrid/monitor/en/index.jsp

- Tra cứu có trả phí từ Cục Sở hữu trí tuệ. 

- Thông thường doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn đăng ký nhãn hiệu của văn phòng luật để được tư vấn toàn bộ hồ sơ, thủ tục cũng như tra cứu nhãn hiệu. 

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhãn hiệu

Một bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu bao gồm những tài liệu sau:

- 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, đánh máy theo mẫu số 08 Phụ lục I Nghị định số 65/2023/NĐ-CP

- 05 Mẫu nhãn hiệu kích thước 80mm x 80mm

- Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Trường hợp đăng ký nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu tối thiểu nêu trên, bạn cần chuẩn bị thêm các tài liệu sau:

- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận;

- Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);

- Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu chứa địa danh hoặc dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).

- Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương để đăng ký nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).

- Các tài liệu khác (nếu có):

  • Giấy uỷ quyền (nếu nộp đơn đăng ký nộp thông qua các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
  • Tài liệu xác nhận được phép sử dụng các dấu hiệu đặc biệt (nếu nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ có chứa các biểu tượng, cờ, huy hiệu của cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế…);
  • Tài liệu xác nhận quyền đăng ký;
  • Tài liệu xác nhận thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác;
  • Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).
Một đoạn của tờ khai đăng ký nhãn hiệu
Một đoạn nội dung của tờ khai đăng ký nhãn hiệu

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu

Người nộp đơn có thể gửi đơn đến các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ.

Các địa điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ:

- Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ

- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh

- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng

Bước 3: Nhận kết quả giải quyết hồ sơ

Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký nhãn hiệu được xem xét theo trình tự sau:

- Thẩm định hình thức: 01 tháng

- Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ

- Thẩm định nội dung: không quá 09 tháng, kể từ ngày công bố đơn

- Cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (Từ 1 - 2 tháng) kể từ ngày nộp đủ lệ phí cấp văn bằng

Như vậy, tổng thời gian cho việc đăng ký nhãn hiệu mất khoảng từ 13 đến 14 tháng kể từ ngày nộp đơn. Tuy nhiên, số lượng đơn đăng ký rất lớn nên bạn có thể phải chờ khoảng từ 18 đến 20 tháng kể từ ngày nộp đơn để được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. 

Bên cạnh đó, nếu đơn đăng ký nhãn hiệu phải sửa đổi, bổ sung hoặc chủ đơn phản đối đơn, khiếu nại từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu thì thời gian đăng ký nhãn hiệu có thể kéo dài từ 2 đến 3 năm. 

5/5 (3 bầu chọn)