Skip to content

Buôn bán nhỏ lẻ có phải đăng ký kinh doanh không?

14/08/202416 lượt đọc

Kinh doanh, dù quy mô nhỏ lẻ, cũng cần tuân thủ các quy định pháp luật về đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cần phải thành lập doanh nghiệp chính thức. 

Bạn đang có ý tưởng kinh doanh, buôn bán nhỏ như bán hàng online, mở một quầy hàng nhỏ hoặc chỉ đơn giản là bán hàng rong? Nhưng bạn lại băn khoăn liệu buôn bán nhỏ lẻ có phải đăng ký kinh doanh hay không, nếu có thì nên đăng thành lập doanh nghiệp hay hộ kinh doanh cá thể? Luật sư An Việt sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này. 

1. Thế nào là kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ?

Cá nhân kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ là những cá nhân thực hiện một, một số hoặc toàn bộ hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lời và không thuộc trường hợp phải đăng ký kinh doanh, không gọi là "thương nhân". Cụ thể là:

- Người buôn bán hàng rong không có địa điểm cố định.

- Buôn bán những vật dụng vặt, nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định.

- Bán quà vặt, đồ ăn, nước uống có hoặc không có địa điểm cố định.

- Buôn chuyển cho người mua hoặc người bán lẻ khác.

- Thực hiện dịch vụ: Đánh giày, rửa xe, giữ xe, sửa khóa, bán vé số, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh,… có hoặc không có địa điểm cố định.

- Các hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

2. Địa điểm kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ

Nhìn chung, kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ chỉ hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ hoặc kinh doanh những dịch vụ như đánh giày, rửa xe, sửa khóa, bán vé số,... có hoặc không có địa điểm kinh doanh cố định. 

+ Không có địa điểm kinh doanh cố định: thường thấy nhiều ở những người bán hàng rong lưu động như xe bán trái cây, xe bán đồ ăn vặt,... Người bán không đứng cố định tại một địa điểm mà có thể di chuyển khắp các tuyến đường, không cố định thời gian bán hàng.

+ Có địa điểm kinh doanh cố định: thường thấy ở các địa điểm như vỉa hè, đầu ngõ. Người bán thường xuyên mang đồ lặt vặt, nhỏ lẻ ra bán ở những địa điểm này, hết giờ bán thì mang hàng về. Đây không phải là địa điểm được xây dựng kiên cố, không xác định tên doanh nghiệp, địa chỉ kinh doanh rõ ràng nên không phải làm thủ tục lập địa điểm kinh doanh cũng như thủ tục đăng ký kinh doanh. 

Buôn bán trên xe lưu động 
Buôn bán trên xe lưu động 

3. Buôn bán nhỏ lẻ có cần đăng ký kinh doanh không?

Cá nhân buôn bán nhỏ lẻ thuộc các trường hợp đã nêu ở phần 1 thì không phải đăng ký kinh doanh. Còn lại các trường hợp khác bắt buộc phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên nếu kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, mọi đối tượng kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ vẫn phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định. Đồng thời, dù không phải đăng ký kinh doanh thì bạn vẫn phải tuân thủ quy định về thuế, phí, lệ phí, an toàn và vệ sinh môi trường, tuân thủ trật tự đô thị,…

4. Nên đăng ký hộ kinh doanh cá thể hay thành lập doanh nghiệp?

Nếu bạn thuộc trường hợp phải đăng ký kinh doanh thì đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh hay thành lập doanh nghiệp có lợi hơn? 

Trước đây pháp luật quy định cơ sở kinh doanh sử dụng dưới 10 lao động phải đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh. Còn nếu cơ sở kinh doanh sử dụng trên 10 lao động thì phải đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật đã không còn giới hạn số lao động mà hộ kinh doanh được phép sử dụng. Do đó, nếu hộ kinh doanh sử dụng hơn 10 lao động thì cũng không phải chuyển sang đăng ký thành lập doanh nghiệp. 

Như vậy, không thể chỉ dựa vào số lượng lao động mà chúng ta cần phải so sánh những ưu nhược điểm của 2 loại hình này để có lựa chọn phù hợp. 

4.1. Thành lập doanh nghiệp 

Ưu điểm: 

  • Có tư cách pháp nhân (ngoại trừ doanh nghiệp tư nhân),có giấy phép kinh doanh và dấu tròn
  • Nếu đăng ký thành lập công ty TNHH hoặc thành lập công ty cổ phần, chủ sở hữu chỉ cần chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn điều lệ đã đăng ký nên không phải lấy tài sản cá nhân để chịu trách nhiệm cho các khoản nợ của công ty 
  • Được xuất hóa đơn VAT, được khấu trừ thuế GTGT
  • Dễ dàng huy động vốn từ bên ngoài và mở rộng hoạt động kinh doanh
  • Được quyền xuất, nhập khẩu
  • 01 người có thể đăng ký nhiều công ty

Nhược điểm:

  • Chế độ kế toán phức tạp
  • Doanh nghiệp phải đóng nhiều loại thuế (thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân) với mức thuế suất cao 

4.2. Thành lập hộ kinh doanh cá thể

Ưu điểm: 

  • Thủ tục đăng ký đơn giản
  • Thủ tục thuế đơn giản, không phải báo cáo thuế
  • Chỉ cần đóng 3 loại thuế là thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân
  • Mô hình kinh doanh đơn giản nên không yêu cầu nhiều vốn 

Nhược điểm:

  • Không có tính pháp nhân (chỉ có giấy phép kinh doanh)
  • Chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình 
  • Không dễ huy động vốn, mở rộng kinh doanh
Bán hàng rong không cần đăng ký kinh doanh 
Bán đồ ăn vặt không cần đăng ký kinh doanh 

4.3. Kết luận

Lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp phụ thuộc vào quy mô, nhu cầu và khả năng tài chính của bạn.

- Thành lập công ty/doanh nghiệp: Phù hợp với những ai có định hướng phát triển, mở rộng kinh doanh, cần huy động vốn và có khả năng quản lý tài chính.

- Hộ kinh doanh cá thể: Phù hợp với những ai kinh doanh nhỏ lẻ, vốn ít, muốn quản lý đơn giản.

5/5 (1 bầu chọn)