Tuy nhiên, việc sáp nhập giữa hai loại hình doanh nghiệp khác nhau như công ty TNHH và công ty Cổ phần lại đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về luật pháp, thủ tục hành chính và các quy định liên quan.
1. Hiểu đúng về sáp nhập công ty
Sáp nhập công ty là quá trình mà nhiều công ty sáp nhập vào một công ty khác và đi kèm với việc chấm dứt sự tồn tại của các công ty bị sáp nhập. Ví dụ: khi công ty A sáp nhập vào công ty B, công ty A sẽ chấm dứt sự tồn tại, còn công ty B vẫn giữ nguyên.
Sáp nhập công ty khác với hợp nhất công ty. Hợp nhất công ty là quá trình nhiều công ty kết hợp lại với nhau để tạo ra một công ty mới, cùng với đó là việc chấm dứt sự tồn tại của các công ty bị hợp nhất. Ví dụ: công ty A và công ty B hợp nhất với nhau để thành lập công ty C, khi đó cả công ty A và công ty B bắt buộc phải chấm dứt tồn tại.
2. Điều kiện sáp nhập công ty TNHH vào công ty cổ phần
Căn cứ theo khoản 3, khoản 4 Điều 201 Luật doanh nghiệp 2020, điều kiện để sáp nhập công ty TNHH vào công ty cổ phần là:
- Các công ty thực hiện việc sáp nhập phải bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Cạnh tranh về sáp nhập công ty.
- Cơ quan đăng ký kinh doanh tiến hành cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị sáp nhập (công ty TNHH) trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho công ty nhận sáp nhập (công ty cổ phần).
Trường hợp công ty TNHH có địa chỉ trụ sở chính ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công ty cổ phần đặt trụ sở chính thì Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty cổ phần đặt trụ sở chính thông báo việc đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty TNHH đặt trụ sở chính để cập nhật tình trạng pháp lý của công ty TNHH trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
3. Thủ tục sáp nhập công ty TNHH vào công ty cổ phần
Bước 1: Chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo điều lệ công ty nhận sáp nhập
Nội dung chủ yếu của hợp đồng sáp nhập bao gồm:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty cổ phần;
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty TNHH;
- Thủ tục và điều kiện sáp nhập;
- Phương án sử dụng lao động;
- Cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập;
- Thời hạn thực hiện sáp nhập;
Bước 2: Thông qua hợp đồng sáp nhập và đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập
Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập và tiến hành đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập theo quy định của Luật này.
Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua.
Bước 3: Chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập (công ty TNHH)
Sau khi công ty cổ phần đăng ký doanh nghiệp, công ty TNHH chấm dứt tồn tại; công ty cổ phần sẽ được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty TNHH. Công ty cổ phần cũng sẽ kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của công ty TNHH theo hợp đồng sáp nhập.
4. Trình tự chấm dứt sự tồn tại của công ty TNHH
Trình tự chấm dứt tồn tại của công ty TNHH sau khi sáp nhập vào công ty cổ phần được hướng dẫn bởi Điều 73 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
Bước 1: Cập nhật tình trạng pháp lý của công ty TNHH
- Sau khi công ty cổ phần (công ty nhận sáp nhập) được cấp đăng ký doanh nghiệp, công ty TNHH (công ty bị sáp nhập) sẽ chuyển sang tình trạng pháp lý "đã bị sáp nhập".
- Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty TNHH đặt trụ sở chính sẽ thông báo tình trạng này cho Cơ quan thuế.
- Cơ quan thuế gửi thông tin cho Phòng Đăng ký kinh doanh về việc công ty TNHH đã hoàn thành việc quyết toán và chuyển giao nghĩa vụ thuế.
Bước 2: Cập nhật tình trạng chấm dứt tồn tại
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của Cơ quan thuế về việc công ty TNHH hoàn thành việc quyết toán và chuyển giao nghĩa vụ thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty TNHH đặt trụ sở chính sẽ cập nhật tình trạng pháp lý của công ty TNHH trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang "chấm dứt tồn tại".
Bước 3: Chấm dứt tồn tại các chi nhánh, văn phòng đại diện
Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành chấm dứt tồn tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty TNHH trước khi chấm dứt tồn tại chính thức của công ty trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 4: Thông báo chấm dứt tồn tại (trường hợp nội dung đăng ký doanh nghiệp của công ty cổ phần không thay đổi)
Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành sáp nhập, công ty cổ phần sẽ gửi thông báo bằng văn bản đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty cổ phần đặt trụ sở chính để yêu cầu chấm dứt tồn tại của công ty TNHH. Thông báo này phải kèm theo các giấy tờ quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 61 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Nếu công ty TNHH có trụ sở chính ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với nơi đặt trụ sở chính của công ty cổ phần, Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty cổ phần đặt trụ sở chính sẽ thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính của công ty TNHH để thực hiện chấm dứt tồn tại đối với các công ty này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.