Skip to content

Vốn điều lệ trong công ty cổ phần

Ý kiến không tán thành của ông Trần Thanh Tùng được nêu trong số báo 1-2011 (bài Năm 2010 - Buồn vui với công ty cổ phần),ý kiến ủng hộ của ông Nguyễn Văn Quyết trong số 2-2011 (bài Vốn điều lệ trong công ty cổ phần) và cả hai đều nêu lý do. Cùng góp với hai ý kiến trên, tôi xin nêu nhận định của mình dựa trên tính chất tài chính cùng pháp lý của vốn và theo cách nhìn của luật học.

 Vốn là phương tiện để kinh doanh

Chúng ta đều biết vốn là tiền bạc dùng cho việc kinh doanh. Đó là tính chất tài chính của nó. Vì công việc của mình, doanh nhân - ngoài tiền túi bỏ ra - còn kêu gọi người khác góp tiền hay cho vay. Đi vay thì phải trả gốc và lãi, gọi vốn thì phải chia cổ tức. Số tiền lãi phải trả và cổ tức phải chia được gọi là chi phí sử dụng vốn. Công ty là một phương tiện để doanh nhân huy động vốn.

Về mặt tài chính, công ty có thể kinh doanh mãi mãi, với điều kiện nó trả nợ được khi đáo hạn. Nguồn tiền từ đâu nó có để làm thì không chủ nợ nào đặt ra. Việc sử dụng tiền của người khác để kinh doanh (hay chiếm dụng vốn) là sự tài giỏi của công ty và được khuyến khích.

Khi bàn về vốn ta sẽ nhìn nó trong tính chất này. Vốn là tiền. Gọi nó là điều lệ hay pháp định là để phân biệt “đòi hỏi về vốn” mà luật pháp của ta đặt ra cho những loại công ty khác nhau. Tiền được chia thành nhiều phần nhỏ có giá trị bằng nhau và được gọi là cổ phần, là mệnh giá. Cổ phần cũng là vốn. Nhiều tên gọi nhưng đều quy chiếu về một gốc.

Khi mở công ty, những người lập ra nó phải quyết định cần bao nhiêu tiền để cho nó hoạt động. Đây là “yêu cầu tất yếu để kinh doanh” (YCTY). Vì chỉ cần trả được nợ khi bị đòi nên công ty không cần phải có đủ số tiền mà YCTY đòi hỏi; nó có thể gọi vốn từ từ, theo từng đợt, tùy nhu cầu hoạt động.

Hơn nữa, chưa cần mà gọi góp ngay thì - về lý thuyết - phải chia cổ tức, nên chi phí sử dụng vốn sẽ cao. Vậy về tính chất tài chính của vốn, ta ghi nhận ba điểm: (i) là phương tiện kinh doanh; (ii) có thể kinh doanh mãi miễn là trả nợ được; và (iii) công ty sẽ gọi vốn từ từ. Từ đây ta sẽ đi sang tính chất pháp lý của vốn.

Vốn dùng để trả nợ

Tính trả nợ của vốn là do luật quy định để bảo vệ người có tiền cho vay. Công ty phải có vốn để trả nợ thì mới đi vay được. Điều 93 của Luật Doanh nghiệp có dự liệu việc này, dẫu nó không nói rõ như luật của các nơi khác rằng không được chia lãi nếu làm giảm vốn điều lệ.

Cũng vì yêu cầu trả nợ, luật buộc công ty phải tuyên bố số vốn của nó khi thành lập cho mọi người biết. Đòi tuyên bố chứ không đòi ghi vào sổ kế toán; sở dĩ vậy vì đã tuyên bố là quy trách nhiệm được; chứ ghi sổ sách kế toán là chuyện nội bộ của công ty, người ngoài làm sao biết được. Các chủ nợ - trên lý thuyết - trông vào số vốn này để cho công ty vay nhiều hay ít. Vì công ty tự nó đã có YCTY, nên khi bị buộc phải tuyên bố số vốn, nó khai YCTY kia ra. Vốn này do công ty khai báo nên luật của ta gọi nó là vốn điều lệ.

Vì vốn dùng để trả nợ, nên khi bị đòi nợ công ty phải lấy tiền đang có ra trả, nếu không đủ thì lấy vốn điều lệ ra; và khi nó làm như vậy thì cổ đông sẽ mất vốn. Vào lúc ấy, và chỉ khi ấy, cổ đông mới chịu trách nhiệm, và chịu trách nhiệm với chủ nợ.

Trách nhiệm góp vốn vào công ty không làm cổ đông mất tiền. Thời điểm cổ đông phải chịu mất tiền là lúc công ty bị tòa án tuyên bố phá sản. Vậy về tính chất pháp lý của vốn trong công ty ta biết bốn điều: (i) nó dùng để trả nợ; (ii) trách nhiệm của các cổ đông chỉ phát sinh khi công ty bị phá sản và thực sự là mất số tiền góp vốn; (iii) cùng lắm là mất hết số đó chứ không phải về nhà lấy tiền thêm; và (iv) khi công ty còn hoạt động, cổ đông chỉ có quyền (quyết định, chia cổ tức...) chứ không có trách nhiệm.

Gộp các tính chất ở trên, luật công ty của các nước phát triển, nhất là khối nói tiếng Anh, khi quy định về vốn đã thể hiện chúng trong luật, hay cho phép làm trong thực tế. Ở đây xin dùng hình ảnh cho dễ hiểu. Luật quy định vốn điều lệ là vốn mà công ty có quyền phát hành (authorized capital). Nó giống như một cái chai thủy tinh. Đồng thời luật cho phép các cổ đông góp vốn từ từ theo tính chất kinh doanh và gọi đó là vốn đã góp (paid-up capital). Đây là nước đổ vào trong chai. Vậy bao lâu còn “nước” thì công ty cứ hoạt động, hết “nước” mà không kiếm ở đâu ra thì mới bị tuyên bố phá sản.

Như thế là dù cái chai không chứa đầy nước thì công ty vẫn hoạt động được. Và khi công bố thông tin, các công ty phải cho biết vốn có quyền phát hành và vốn đã góp, tức là cho biết cái chai và số nước trong đó. Chỉ khi nào bán chứng khoán trên thị trường thì nó mới phải công bố các thông tin khác. Vẫn dùng hình ảnh trên, ta đi vào quy định về vốn điều lệ theo luật của ta.

Quy định của Nghị định 102/2010

Lấy thời điểm là lúc công ty đăng ký kinh doanh thì điều 5 quy định:

    Vốn điều lệ của công ty là tổng giá trị mệnh giá các cổ phần do các cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông khác đã đăng ký mua và được ghi trong điều lệ công ty; số cổ phần này phải được thanh toán đủ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá số cổ phần đã phát hành.

    Số cổ phần được quyền phát hành: tổng số cổ phần do cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông khác đã đăng ký mua tại thời điểm đăng ký kinh doanh và số cổ phần sẽ phát hành thêm trong thời hạn ba năm. Số cổ phần được quyền phát hành của công ty cổ phần là số cổ phần mà đại hội đồng cổ đông quyết định sẽ phát hành để huy động thêm vốn. Dựa vào các tính chất của vốn đã nêu ở trên, ta có thể đưa ra những nhận xét sau về luật của ta.

Một, theo định nghĩa và khó lòng nói khác, điều 5 đã du nhập vào trong luật của ta khái niệm “authorized capital” (số cổ phần được quyền phát hành - tức là cái chai) và “paid- up capital” (vốn pháp định - là số nước trong chai). Ở đó, từ ngữ “authorized” được dịch đúng y là “được quyền phát hành”; nhưng “capital” đáng lẽ là “vốn” thì được gọi là “số cổ phần”; sang đến “paid- up capital” thì gọi “giá trị mệnh giá - đã đăng ký mua - được ghi trong điều lệ công ty - và thanh toán đủ trong vòng 90 ngày”. Luật của họ quy định đơn giản mà mình phải viết lòng vòng nhưng không sai ý nghĩa (vì quy về một gốc) là vì nghị định này - luật con - du nhập một cái mới mà Luật Doanh nghiệp - là mẹ - không có! Mới của ta nhưng cũ của người.

Hai, nghị định coi “số nước” đựng trong “chai” là vốn pháp định chứ không phải “cái chai”. Thoạt nhìn thì đúng. Phải có “nước” thì mới trả nợ được, cái chai làm sao trả? Nước là thật, cái chai là ảo. Như tác giả Nguyễn Văn Quyết nhận định. Khi quy định như thế thì có một thực tế mà các nhà soạn luật đã không biết hay bỏ qua! Ấy là khi công ty phải trả nợ, mà “cái chai” chưa đầy nước, thì nó sẽ buộc cổ đông phải đổ “nước” vào cho đầy. Khi ấy cái chai sẽ có đầy nước và “authorized capital” trở thành “paid-up capital”!

Ba, quy định như thế tạo ra ba hậu quả. Một, về lý thuyết, chủ nợ mất đi một số nợ, đó là số chênh lệch giữa chai còn vơi và chai đầy nước. Hai là, luật cho ba năm để đổ đầy nước vào chai, mà chỉ cho đăng ký nước đã đổ vào chai thì trong thời gian ba năm kia, công ty sẽ phải đi đăng ký nhiều lần, mỗi khi cái chai có thêm nước. Ba là, công ty không thể gọi thêm vốn, vì không có cái chai (do không được đăng ký) thì làm sao để gọi thiên hạ đổ nước vào? Các sở kế hoạch đầu tư sẽ kẹt, các công ty cũng sẽ kẹt đúng như tác giả Trần Thanh Tùng nhận xét!

Để kết luận, có thể nói sự du nhập “authorized capital” dưới tên “số cổ phần được quyền phát hành” sau khi Luật Doanh nghiệp được ban hành là một cố gắng học hỏi đáng ghi nhận. Nhưng có điều tiếc là người ta đã không biết cách tưởng tượng ra cái chai và việc đổ nước vào đó; chỉ nhìn vào nước mà không vào cái chai sẽ đổ đầy nước!

Thời báo Kinh Tế Sài Gòn

 

5/5 (18 bầu chọn)