Skip to content

Xác lập tư cách thành viên công ty

Diễn biến sự việc:

Tháng 5/2001 ông Ngô Trường Thanh và ông Nguyễn văn Long thành lập Công ty TNHH sản xuất thương mại Vạn Phát (sau đây gọi là Công ty). Tổng số vốn ban đầu là 1,6 tỷ đồng, trong đó số vốn góp của ông Thanh là 900 triệu đồng. Đến tháng 8/2001, tổng số vốn của Công ty thay đổi còn 900 triệu đồng, trong đó phần góp vốn của ông Thanh chỉ còn 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Long khai ông và ông Thanh là bạn, ông Thanh lại có nghiệp vụ kế toán nên ông Long mời ông này làm cho Công ty. Ông Long muốn ông Thanh có vị trí nhất định trong Công ty với chức danh Phó giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty nên ông đã bảo ông Thanh đứng tên trong Hội đồng thành viên Công ty mà không cần góp vốn. Vì vậy ông đã dùng tiền cá nhân để nộp vào phần vốn góp của ông Thanh cho đúng quy định pháp luật là 200.000.000 đồng. Thực tế mọi điều hành, quản lý Công ty đều do ông Long quyết định.

Bà Lê Thị Nhất Linh (nhân chứng) là nhân viên Công từ tháng 8/2003. Đến 17/7/2006 xác nhận có đánh máy và kí vào hợp đồng chuyển nhượng vốn giữa ông Nguyễn Văn Long, Ngô Trường Thanh và bà mà không có chữ kí của ông Thanh.

Ngày 14/6/2006 ông Thanh khởi kiện, yêu cầu công nhận phần vốn của ông tại Công ty và chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn ông đang nắm giữ tại Công ty.

“Phán quyết của tòa:

Tòa án nhân dân đã chấp nhận yêu cầu của ông Thanh về việc công nhận phần vốn góp trong Công ty và chia lợi nhuận theo tỉ lệ phần vốn góp.”

Bình luận:

Công ty TNHH hai thành viên trở lên là một loại hình doanh nghiệp rất được ưa chuộng hiện nay. Muốn thành lập Công ty phải có tối thiểu hai thành viên. Có nhiều lí do để người ta nhờ người khác đứng tên giùm trong Công ty. Dưới góc độ luật học, tư cách thành viên Công ty được xác lập kể từ khi thành viên cam kết góp vốn vào Công ty. Việc góp đủ hay chưa đủ vốn theo cam kết không phải là yếu tố quyết định trong việc xác lập tư cách thành viên.

Trường hợp có thành viên không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được coi là nợ của thành viên đó đối với Công ty tại Điều 39.2 Luật Doanh nghiệp.
Trong vụ việc đang được xem xét, phán quyết của toà được đưa ra dựa trên chứng từ xác nhận phần vốn góp của thành viên. Với chứng từ thể hiện việc hoàn thành nghĩa vụ góp vốn cùng với tên của ông Thanh được ghi nhận vào trong Điều lệ Công ty là bằng chứng thuyết phục nhất cho tư cách thành viên của ông này trong Công ty.

Hành vi ẩn danh của nhà đầu tư thông qua việc nhờ người khác đứng tên giùm trong Công ty là một việc làm đầy rủi ro. Với hành vi trái luật như vậy, hậu quả thường là nhà đầu tư ẩn danh phải gánh chịu thiệt hại vì tất cả mọi chứng cứ thuyết phục nhất đều thuộc về người đang đứng tên giùm. Muốn chứng minh điều ngược lại, nghĩa vụ này thuộc về nhà đầu tư ẩn danh. Trong trường hợp nhà đầu tư ẩn danh thất bại trong việc chứng minh điều ngược lại, đương nhiên thành viên đang đứng tên trong Công ty là người có quyền sở hữu phần vốn góp trong Công ty theo giấy chứng nhận phần vốn góp và sổ thành viên của Công ty. Đồng thời người này cũng sẽ có các quyền của một thành viên Công ty như quyền hưởng lợi nhuận và quyết định các vấn đề của Công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

5/5 (1 bầu chọn)