Trả lời:
Theo quy định tại Điều 34, Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thì trường hợp thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký. Nội dung Thông báo bao gồm:
a) Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp và mã số thuế);
b) Ngành, nghề đăng ký bổ sung hoặc thay đổi;
c) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Kèm theo Thông báo phải có quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh. Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được thay đổi trong Điều lệ công ty.
Ngoài ra, tùy theo những trường hợp dưới đây mà doanh nghiệp sẽ phải bổ sung một số tài liệu vào bộ hồ sơ, bao gồm:
- Trường hợp bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh phải có vốn pháp định thì phải có thêm văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan có thẩm quyền.
Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để đáp ứng điều kiện kinh doanh một số ngành nghề nhất định. Ví dụ:
- Kinh doanh dịch vụ bảo vệ cần có mức vốn tối thiểu là 1 triệu đô la Mỹ
- Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe cần có mức vốn tối thiểu là 300 tỷ đồng Việt Nam.
- Trường hợp bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề thì phải có thêm bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Chứng chỉ hành nghề là điều kiện về nhân sự mà doanh nghiệp phải đáp ứng để đủ điều kiện kinh doanh nghề mà pháp luật quy định phải có chứng chỉ hành nghề. Ví dụ: Doanh nghiệp muốn bổ sung ngành dịch vụ môi giới bất động sản thì phải có ít nhất 02 cá nhân có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản đang làm việc tại doanh nghiệp.
- Trường hợp người nộp hồ sơ không phải người đại diện pháp luật của doanh nghiệp thì trong hồ sơ phải có thêm giấy ủy quyền và giấy tờ pháp lý cá nhân của người nộp hồ sơ.
Khi nhận Thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao giấy biên nhận và đăng ký bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh cho doanh nghiệp trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ từ doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp không hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Doanh nghiệp sửa, bổ sung hồ sơ rồi nộp lại cho Phòng Đăng ký kinh doanh theo trình tự như lần nộp đầu tiên.
Lưu ý ghi mã ngành kinh tế Việt Nam trong hồ sơ bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh:
Hệ thống mã ngành nghề phân hóa từ cấp 1 đến cấp 5 tương ứng với số chữ số của mã ngành nghề đó. Khi mã ngành nghề trong hồ sơ, doanh nghiệp phải ghi mã ngành cấp 4 (có 4 số). Sau đó, doanh nghiệp ghi thêm mã ngành cấp 5 phù hợp hoặc diễn giải chi tiết ngành nghề kinh doanh.
Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện (vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề,...) hoặc danh mục ngành nghề kinh doanh cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh, doanh nghiệp phải ghi mã ngành cấp 4 và ghi theo ngành nghề quy định tại các văn phản quy phạm pháp luật.
Đối với các ngành nghề không được ghi nhận thành một ngành nghề cụ thể trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (không có mã ngành riêng),nhưng được quy định trong các văn bản pháp luật khác, thì ghi nhận thêm theo quy định tại các văn bản đó.
Đối với các ngành nghề không thuộc hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được ghi nhận trong một văn bản pháp luật nào khác nhưng không thuộc danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét và ghi nhận vào cơ sở dữ liệu quốc gia, thông báo cho Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.