Skip to content

Thủ tục thành lập công ty môi giới việc làm đầy đủ, dễ hiểu

21/08/202484 lượt đọc

Để thành lập công ty môi giới việc làm, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện, chuẩn bị hồ sơ và nộp tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật về thành lập doanh nghiệp và hoạt động dịch vụ môi giới việc làm. 

Nhu cầu tìm kiếm việc làm và tuyển dụng nhân sự ngày càng tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các công ty môi giới việc làm. Công ty môi giới việc làm đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối người lao động với nhà tuyển dụng, giúp cho người lao động tìm được công việc phù hợp và giúp cho nhà tuyển dụng tìm được nhân sự chất lượng.

Để thành lập công ty môi giới việc làm, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định pháp luật về thành lập doanh nghiệp và hoạt động dịch vụ môi giới việc làm. 

Khái quát về công ty môi giới việc làm

Công ty môi giới việc làm là đơn vị trung gian kết nối người lao động và người sử dụng lao động. Nhiệm vụ cơ bản của họ bao gồm:

  • Giới thiệu việc làm cho những người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm
  • Tìm kiếm, thu thập hồ sơ xin việc của người lao động phù hợp
  • Tư vấn, giải thích thông tin về công việc cho người lao động 
  • Cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động
  • Tư vấn cho người sử dụng lao động về quy trình tuyển, sử dụng và quản lý lao động; tư vấn về quản trị và phát triển việc làm, phát triển nguồn nhân lực;
  • Tư vấn về các chính sách lao động, việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động.
thành lập doanh nghiệp môi giới việc làm
Doanh nghiệp môi giới việc làm kết nối người lao động và người sử dụng lao động

Điều kiện thành lập công ty môi giới việc làm

Để thành lập công ty môi giới việc làm, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 14 Nghị định 23/2021/NĐ-CP:

- Có địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định theo hợp đồng từ 03 năm (36 tháng) trở lên để tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm.

- Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng).

- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động dịch vụ việc làm phải đáp ứng các tiêu chí sau:

- Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 

- Không thuộc một trong các trường hợp: đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến dịch vụ việc làm;

- Có trình độ từ đại học trở lên hoặc đã từng trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý dịch vụ việc làm hoặc cung ứng lao động từ đủ 02 năm (24 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

(Giải thích: Nếu doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép vào năm 2024 thì người đại diện theo pháp luật phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm quản lý hoặc làm việc chuyên môn về môi giới việc làm trong khoảng thời gian từ năm 2019 - 2023. Do đó, dù cho người đại diện có 3 năm kinh nghiệm làm việc từ 2016 - 2018 thì vẫn bị tính là không đủ điều kiện.)

Các điều kiện về thành lập doanh nghiệp môi giới việc làm
Các điều kiện về thành lập doanh nghiệp môi giới việc làm

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập công ty môi giới việc làm

Theo Điều 16 Nghị định 23/2021/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập công ty môi giới việc làm bao gồm những tài liệu sau:

- Văn bản đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

- Giấy tờ về địa điểm đặt trụ sở công ty môi giới việc làm: 01 bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao, xuất trình bản gốc để đối chiếu Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê địa điểm theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này.

- Giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ việc làm theo Mẫu số 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

- Lý lịch người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp:

  • Bản lý lịch tự thuật theo Mẫu số 04 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
  • Phiếu lý lịch tư pháp số 1 theo quy định pháp luật về lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trường hợp người đại diện là người nước ngoài không thuộc đối tượng cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 thì được thay thế bằng phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài.

(Các văn bản về lý lịch người đại diện phải cấp trước ngày nộp hồ sơ không quá 06 tháng. Văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật.)

- Giấy tờ về trình độ chuyên môn của người đại diện theo pháp luật:

+ 01 bản sao chứng thực từ bản chính hoặc bản sao, xuất trình bản gốc để đối chiếu bằng cấp chuyên môn theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 14. 

+ Hoặc sử dụng một trong các văn bản chứng minh thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý dịch vụ việc làm hoặc cung ứng lao động của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp:

  • Bản sao (được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao, cần xuất trình bản gốc để đối chiếu) hợp đồng lao động; hoặc hợp đồng làm việc; hoặc quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, giao nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
  • Bản sao (được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao, cần xuất trình bản gốc để đối chiếu) quyết định bổ nhiệm (đối với người làm việc theo chế độ bổ nhiệm); hoặc văn bản công nhận kết quả bầu (đối với người làm việc theo chế độ bầu cử) của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với trường hợp là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm).

Các văn bản trên nếu là văn bản của nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật.

Trình tự, thủ tục thành lập công ty môi giới việc làm

Nộp hồ sơ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 

Doanh nghiệp môi giới việc làm gửi 01 bộ hồ sơ (gồm các tài liệu nêu trên) đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đề nghị cấp giấy phép. Sau khi tiếp nhận và kiểm tra đủ giấy tờ quy định tại Điều 17 Nghị định này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

Nhận kết quả giải quyết hồ sơ

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đảm bảo theo quy định, cơ quan Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thẩm định nội dung hồ sơ. Nếu hồ sơ hợp lệ theo quy định của pháp luật, cơ quan sẽ cấp giấy phép thành lập công ty môi giới việc làm. 

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do không cấp phép cho doanh nghiệp.

5/5 (2 bầu chọn)