Skip to content

Hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội chi tiết

19/08/20246 lượt đọc

Doanh nghiệp xã hội không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, đáp ứng các nhu cầu cộng đồng. Chính vì vậy, việc hiểu rõ hồ sơ, thủ tục trình thành lập doanh nghiệp xã hội là vô cùng cần thiết đối với các cá nhân, tổ chức có ý định hoạt động trong lĩnh vực này.

Quy trình thành lập doanh nghiệp xã hội bao gồm nhiều bước quan trọng như chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ, chờ thẩm định và được cấp giấy chứng nhận. Mỗi bước đều có những yêu cầu, quy định cụ thể cần phải tuân thủ. Nắm được những thông tin này sẽ giúp các bạn có được sự chuẩn bị chu đáo, tránh được những sai sót, rủi ro trong quá trình thực hiện.

1. Khái niệm doanh nghiệp xã hội

Doanh nghiệp xã hội là mô hình kinh doanh được thành lập với mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng, sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư cho mục tiêu đó, thay vì tối đa hóa lợi cho chủ sở hữu doanh nghiệp. Doanh nghiệp xã hội được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020. 

Doanh nghiệp xã hội tổ chức hoạt động kinh doanh vì mục tiêu xã hội
Doanh nghiệp xã hội tổ chức hoạt động kinh doanh vì mục tiêu xã hội

2. Hồ sơ thành lập doanh nghiệp xã hội

Cá nhân, tổ chức có thể thành lập doanh nghiệp xã hội theo mô hình công ty TNHH, công ty Cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân. Hồ sơ thành lập doanh nghiệp xã hội phải tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp lựa chọn theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. 

* Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

* Hồ sơ đăng ký thành lập công ty hợp danh:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Điều lệ công ty.

- Danh sách thành viên.

- Bản sao các giấy tờ sau đây:

  • Giấy tờ pháp lý của thành viên công ty là cá nhân; hoặc Giấy tờ pháp lý của thành viên công ty là tổ chức; hoặc Giấy tờ pháp lý của người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

* Hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên, thành lập công ty cổ phần

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Điều lệ công ty.

- Danh sách thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên; danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.

- Bản sao các giấy tờ sau đây:

  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
  • Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

* Hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH 1 thành viên:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Điều lệ công ty.

- Bản sao các giấy tờ sau đây:

  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
  • Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Lưu ý: Kèm theo 01 bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp xã hội phải có giấy Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường có chữ ký của những người sau đây:

- Đối với doanh nghiệp tư nhân: Chủ doanh nghiệp tư nhân

- Đối với công ty hợp danh: Các thành viên hợp danh

- Đối với công ty TNHH: các thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật của thành viên tổ chức. 

- Đối với công ty cổ phần: 

  • Cổ đông sáng lập là cá nhân
  • Người đại diện theo pháp luật của cổ đông sáng lập là tổ chức
  • Cổ đông khác là cá nhân đồng ý với cam kết và mong muốn ký vào cam kết cùng cổ đông sáng lập
  • Cổ đông khác là tổ chức đồng ý với cam kết và mong muốn ký vào bản cam kết cùng cổ đông sáng lập
Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH&ĐT)
Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH&ĐT)

3. Thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội

3.1. Nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp xã hội

Sau khi hoàn thành hồ sơ thành lập doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh (thuộc Sở Kế hoạch & Đầu tư) nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đăng ký online tại https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/ hoặc nộp hồ sơ qua đường bưu điện đến Phòng Đăng ký kinh doanh.

3.2. Nhận kết quả hồ sơ thành lập doanh nghiệp xã hội

Thời gian giải quyết hồ sơ thường kéo dài khoảng từ 5 đến 7 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ. Đến ngày hẹn trả kết quả, doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận kết quả. Nếu hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu hồ sơ không hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông báo bằng văn bản để yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi. Doanh nghiệp sửa đổi xong hồ sơ thì nộp lại cho Phòng Đăng ký kinh doanh như lần nộp ban đầu. 

5/5 (2 bầu chọn)