Skip to content

Lợi ích và hạn chế của việc chuyển đổi loại hình công ty

16/01/2024662 lượt đọc

Chuyển đổi loại hình công ty ảnh hưởng đến cấu trúc và cách hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp hãy cẩn trọng vì hoạt động này vừa tạo ra lợi ích vừa kèm theo hạn chế nhất định. 

Những điều cần biết về chuyển đổi loại hình công ty

Chuyển đổi loại hình công ty thể hiện điều gì?

Chuyển đổi loại hình công ty thể hiện quá trình chuyển đổi giữa các loại hình công ty cụ thể. Ví dụ, từ công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển thành công ty cổ phần hoặc ngược lại. 

Hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về khái niệm chuyển đổi loại hình công ty. Bạn có thể tạm hiểu chuyển đổi loại hình công ty hay chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là hình thức chuyển từ loại hình doanh nghiệp hiện tại sang một loại hình doanh nghiệp khác để phù hợp với số lượng thành viên và nhu cầu hoạt động thực tế của doanh nghiệp.

Sau khi hoàn tất quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp được cấp giấy đăng ký kinh doanh mới, doanh nghiệp được chuyển đổi sẽ chấm dứt sự tồn tại của mình. Doanh nghiệp chuyển đổi (doanh nghiệp với loại hình mới) sẽ kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

Các loại hình chuyển đổi công ty

Chuyển đổi công ty bao gồm các hình thức sau:

chuyen-doi-loai-hinh-cong-ty1

Để chuyển đổi loại hình công ty, doanh nghiệp cần làm hồ sơ, thủ tục đăng ký chuyển đổi với Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký. Thủ tục chuyển đổi loại hình công ty gồm những giấy tờ gì sẽ phụ thuộc vào việc doanh nghiệp dự định chuyển sang hình thức nào trong những hình thức mà Luật sư An Việt đã liệt kê phía trên. 

Trường hợp chuyển đổi loại hình công ty

Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi loại hình công ty theo yêu cầu của pháp luật (bắt buộc) hoặc theo quyết định của doanh nghiệp (tự nguyện). 

Tự nguyện chuyển đổi loại hình công ty

Doanh nghiệp quyết định chuyển đổi loại hình công ty dưới sự tự nguyện của ban lãnh đạo, khi họ nhận ra rằng chuyển sang loại hình mới sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho doanh nghiệp, ví dụ như thay đổi cơ cấu tổ chức, chuyên môn hóa việc quản trị hoặc mong muốn kêu gọi vốn. 

Thường thì quyết định này được đưa ra sau quá trình đánh giá chiến lược kinh doanh, nghiên cứu và thảo luận nội bộ. Các bên liên quan, bao gồm hội đồng thành viên đối với Công ty TNHH, đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần, chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân,... là những cá nhân, tổ chức quá trình đưa ra quyết định.

Bắt buộc chuyển đổi loại hình công ty

Theo Luật doanh nghiệp 2020, một số loại hình công ty có yêu cầu về số lượng thành viên tối thiểu:

  • Công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải có từ 2 trở lên và không vượt quá 50 thành viên. 
  • Công ty Cổ phần quy định số lượng cổ đông tối thiểu từ 3 người trở lên
  • Công ty hợp danh phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung

Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu trong thời hạn 06 tháng liên tục thì sẽ phải tiến hành làm thủ tục chuyển đổi loại hình công ty. 

chuyen-doi-loai-hinh-cong-ty2

Lợi ích của việc chuyển đổi loại hình công ty

Chuyển đổi loại hình công ty là một quy trình quan trọng và có thể mang lại nhiều lợi ích cho một doanh nghiệp. Từ việc mở rộng hoạt động kinh doanh đến thu hút vốn đầu tư, chuyển đổi loại hình công ty có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và tăng trưởng.

Thu hút vốn đầu tư

Chuyển đổi loại hình công ty có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Chẳng hạn từ công ty TNHH chuyển sang công ty cổ phần có thể thu hút sự quan tâm và đầu tư từ các cổ đông mới. Cổ đông mới có thể đưa vào doanh nghiệp nguồn vốn mới để hỗ trợ mở rộng hoạt động kinh doanh, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, v.v. Một công ty có quy mô lớn hơn cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp, hấp dẫn nhân tài và giữ chân nhân viên giỏi.

chuyen-doi-loai-hinh-cong-ty3

Tách biệt trách nhiệm pháp lý

Chuyển đổi loại hình công ty có thể giúp tách biệt trách nhiệm pháp lý giữa doanh nghiệp và chủ sở hữu, từ đó có thể bảo vệ tài sản cá nhân của chủ sở hữu và giảm rủi ro pháp lý cho công ty. 

Đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân, do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là nếu doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn tài chính hoặc phá sản, chủ sở hữu cá nhân sẽ chịu trách nhiệm không giới hạn và có thể phải sử dụng tài sản cá nhân để đền bù các khoản nợ và nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Trong khi với công ty cổ phần, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Nếu công ty cổ phần gặp khó khăn tài chính hoặc phá sản, cổ đông không phải sử dụng tài sản cá nhân của mình để đền bù các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty vượt quá số vốn đã góp.

Tối ưu hóa quản lý nội bộ

Một loại hình công ty mới có thể mang lại cơ hội để tái tổ chức nội bộ, cải thiện quy trình quản lý và tối ưu hóa hiệu suất, giúp cải thiện hiệu suất làm việc, giảm chi phí và tăng cường khả năng quản lý. Việc xem xét lại cấu trúc tổ chức, phân chia trách nhiệm, hình thành các bộ phận và đội ngũ quản lý hiệu quả hơn có thể giúp tối ưu hóa hiệu suất làm việc và giảm chi phí hoạt động. Nhờ vậy, doanh nghiệp cũng có thể tăng cường khả năng quản lý và đưa ra quyết định nhanh chóng và linh hoạt hơn.

chuyen-doi-loai-hinh-cong-ty4

Thích ứng với môi trường kinh doanh luôn biến động

Từng loại hình công ty sẽ mang lại những lợi thế riêng biệt giúp doanh nghiệp dễ dàng thích ứng với các thay đổi trong chiến lược và môi trường kinh doanh, ví dụ linh hoạt trong việc tăng giảm quy mô, tái cấu trúc, tiếp cận với công nghệ mới, nâng cao nguồn lực tài chính để đối phó với môi trường kinh doanh biến động

Hạn chế của việc chuyển đổi loại hình công ty

Chi phí và thủ tục pháp lý

Quá trình chuyển đổi loại hình công ty đòi hỏi doanh nghiệp phải đăng ký thủ tục chuyển đổi với Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Quy trình chuyển đổi có thể phức tạp và đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về pháp luật. Nếu doanh nghiệp không có bộ phận pháp chế chuyên giải quyết các vấn đề về thủ tục pháp lý thì đa phần sẽ phải sử dụng dịch vụ của các văn phòng luật sư. Do đó, ngoài lệ phí làm thủ tục thì doanh nghiệp cần chi trả khoản phí cho văn phòng luật. Ngoài ra, thực hiện thủ tục hành chính cũng đòi hỏi sự tốn kém về thời gian và công sức.

chuyen-doi-loai-hinh-cong-ty6

Phân tán quyền lực, quyền kiểm soát công ty

Việc chuyển đổi loại hình công ty có thể dẫn đến mất quyền kiểm soát đối với doanh nghiệp. Khi chuyển đổi từ một công ty TNHH một thành viên sang một công ty cổ phần, cổ đông mới sẽ tham gia và sở hữu cổ phần trong công ty. Điều này có thể dẫn đến sự phân tán quyền kiểm soát và quyền quản lý, đặc biệt nếu có nhiều cổ đông tham gia. 

Khi có nhiều cổ đông, các quyết định quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh và chiến lược của công ty sẽ được đưa ra thông qua quá trình bỏ phiếu của cổ đông. Quyền kiểm soát công ty sẽ phụ thuộc vào số lượng cổ phiếu mà cổ đông sở hữu và quyền biểu quyết mà cổ phiếu đó mang lại.

5/5 (3 bầu chọn)