Có những ý kiến còn phân vân như giải pháp hỗ trợ của Chính phủ chưa đủ mạnh, đủ rộng để tạo lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn; hay cần nghiên cứu miễn thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế GTGT…, nhưng chúng ta cần xem xét khách quan cả về phía Nhà nước và doanh nghiệp.
Có những ý kiến còn phân vân như giải pháp hỗ trợ của Chính phủ chưa đủ mạnh, đủ rộng để tạo lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn; hay cần nghiên cứu miễn thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế GTGT…, nhưng chúng ta cần xem xét khách quan cả về phía Nhà nước và doanh nghiệp.
Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ “Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường” ra đời được coi là một trong những biện pháp cứu cánh của doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh.
Vậy doanh nghiệp được hưởng lợi gì từ gói giải pháp này của Chính phủ? Giải pháp đã đủ độ với khó khăn của doanh nghiệp hay chưa? Gói giải pháp này có gì khác so với gói giải pháp năm 2011 quy định tại Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg, Quyết định số 54/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kết quả của gói giải pháp liệu có đạt kỳ vọng của Chính phủ hay không?
Mở rộng gia hạn nộp thuế nhiều đối tượng doanh nghiệp
Biện pháp gia hạn nộp thuế lần này có sự khác biệt rất lớn so với các giải pháp theo Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg, Quyết định số 54/2011/QĐ-TTg.
Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 54/2011/QĐ-TTg chỉ gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của doanh nghiệp nhỏ và vừa (trừ số thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xổ số kiến thiết, thu nhập từ kinh doanh dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt) và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có hoạt động gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, hoạt động thi công, xây dựng-lắp đặt công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. Theo đó, chỉ có các doanh nghiệp thuộc đối tượng trên có thu nhập mới được giãn giảm thuế. Các doanh nghiệp gặp khó khăn, làm ăn thua lỗ sẽ không được hưởng lợi từ gói giải pháp này.
Nhưng Nghị quyết 13/NQ-CP ngoài việc gia hạn thêm 9 tháng đối với thời hạn nộp đối với thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) của doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các lĩnh vực như quy định tại các Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg và 54/2011/QĐ-TTg còn mở rộng gia hạn nộp thuế thu nhập thêm đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, lần này còn gia hạn nộp thuế đối với thuế gián thu: Gia hạn thêm 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2012 đối với các đối tượng sau:
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa (bao gồm cả hoạt động kinh doanh bất động sản) trừ doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực xổ số, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc Tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
- Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.
- Tất cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất, vận tải đường thủy (bao gồm cả vận tải thủy nội địa và vận tải biển),sản xuất thép, xi măng.
Do thuế GTGT là loại thuế gián thu, thuế nằm trong giá bán hàng hóa dịch vụ, người tiêu dùng chịu thuế khi mua hàng hóa dịch vụ và người sản xuất, kinh doanh thực hiện kê khai, nộp thuế khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, không phụ thuộc vào việc doanh nghiệp lỗ hay lãi. Vì vậy, việc gia hạn nộp thuế GTGT mang lại lợi ích cho tất cả các doanh nghiệp trên, có tiêu thụ hàng hóa dịch vụ, có doanh thu đều được gia hạn nộp thuế GTGT, không chỉ doanh nghiệp có lãi mới được gia hạn nộp thuế như các giải pháp của năm 2011.
Việc gia hạn nộp thuế GTGT đã giúp doanh nghiệp dùng số tiền thuế để tạo nguồn vốn sản xuất kinh doanh, giảm thiểu chi phí trả lãi tiền vay ngân hàng tương ứng, kết quả của việc dùng tiền thuế hợp pháp sẽ tác động trực tiếp đến giảm giá thành, chi phí sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao tính cạnh tranh.
Giả sử một doanh nghiệp có số thuế GTGT phải nộp bình quân mỗi tháng là 1 tỷ đồng, lãi suất trần ngân hàng thương mại cho vay là 15% năm thì việc gia hạn thêm 6 tháng nộp thuế GTGT của tháng 4, tháng 5 và tháng 6 theo Nghị quyết của Chính phủ sẽ góp phần làm giảm chi phí cho Công ty là 225 triệu đồng = (1 tỷ đồng x 22,5%).
Do gia hạn nộp thuế GTGT nếu doanh nghiệp đang khó khăn sẽ giảm lỗ 225 triệu đồng, nếu đang hòa vốn, hoặc lãi thì sẽ được tăng lãi thêm số tiền tương ứng. Bởi theo quy định thì doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế GTGT hàng tháng và thời điểm nộp thuế vào NSNN là ngày 20 của tháng sau. Nếu quá thời hạn, doanh nghiệp khó khăn không nộp được tiền thuế vào NSNN thì sẽ bị phạt chậm nộp 0,05% trên số tiền thuế chậm nộp. Nay được chậm nộp 6 tháng, nếu doanh nghiệp khó khăn không phải phạt chậm nộp, không phải đi vay ngân hàng để nộp thuế mà thậm chí sử dụng tiền thuế để giải quyết vốn kinh doanh, không phải vay ngân hàng tương ứng tiền thuế gia hạn…
Bước đột phá của gói giải pháp
Có thể nói bước đột phá trong gói giải pháp lần này của Chính phủ là mở rộng phạm vi xử lý về tiền thuế và các khoản thu của NSNN liên quan đến đất đai.
Khi đơn giá thuê đất của Nhà nước thay đổi, năm 2012 phải xác định đơn giá thuê đất theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, song Chính phủ mới chỉ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp cho các doanh nghiệp sản xuất, nay Nghị quyết 13/NQ-CP cho phép áp dụng giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Đây là bước chuyển đổi lớn về quan điểm, bởi việc xử lý giải pháp về thuế không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất mà đã mở rộng thêm trong lĩnh vực lưu thông phân phối, dịch vụ... tác động tích cực đến hỗ trợ thị trường.
Trong lúc thị trường kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, thách thức (có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan),có nhiều ý kiến khác nhau trong lĩnh vực kinh doanh này… thì việc gia hạn nộp tiền sử dụng đất tối đa 12 tháng đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính là một biện pháp thiết thực giúp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng như những dự án đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh khác thoát hiểm, góp phần phục hồi thị trường.
Sự sẻ chia giữa Nhà nước và người dân
Bên cạnh giải pháp gia hạn, giảm nộp thuế, các khoản thu NSNN, Nghị quyết 13/NQ-CP cho phép miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối. Số tiền tuy nhỏ đối với NSNN nhưng không nhỏ đối với ngư dân, diêm dân và là sự sẻ chia giữa Nhà nước và người dân trong hoàn cảnh khó khăn chung.
Ngoài các giải pháp thuộc thẩm quyền đã xử lý, Chính phủ còn giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định xử lý tiếp các giải pháp: Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (kể cả doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); Miễn thuế khoán GTGT, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân… như đã thực hiện trong năm 2011.
Thực tế, cũng còn có ý kiến khác nhau như: Giải pháp chưa đủ mạnh, đủ rộng để tạo lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn; hay cần nghiên cứu miễn thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế GTGT… Nhưng khi đưa ra các khuyến nghị, yêu cầu, chúng ta cần xem xét khách quan cả về hai phía Nhà nước và doanh nghiệp. Khi nền kinh tế đang gặp khó khăn… thì NSNN lại càng khó khăn hơn, bởi NSNN phải lo cho mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.
Việc gia hạn, miễn thuế, các khoản thu thuế chính là hình thức hỗ trợ gián tiếp nguồn lực tài chính và trực tiếp làm giảm chi phí lãi vay ngân hàng tương ứng với số tiền thuế, khoản thu NSNN được gia hạn, miễn thuế. Điều này mang lại thuận lợi cho doanh nghiệp, và cũng chính là làm giảm nguồn thu cho NSNN… Nhưng giảm thu hôm nay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều sản phẩm, nhiều của cải vật chất cho xã hội, tăng doanh thu, lợi nhuận… và như thế sẽ tác dụng trở lại - góp phần tăng thu cho NSNN.
Ở đây cũng có yếu tố thúc đẩy doanh nghiệp phải nỗ lực vượt lên chính mình, khẳng định chất lượng sản phẩm dịch vụ, khẳng định thương hiệu... của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam để cùng chung tay, chung sức với Nhà nước vượt qua giai đoạn khó khăn...
Nguyễn Thị Cúc
Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
(Nguồn: chinhphu.vn