Skip to content

Thủ tục chuyển nhượng công ty/doanh nghiệp

Trong thế giới kinh doanh đầy biến động, quyết định chuyển nhượng doanh nghiệp không chỉ là một sự thay đổi, mà còn là một bước ngoặt chiến lược, mở ra những cơ hội mới. Đó là một quá trình đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, từ việc đánh giá giá trị doanh nghiệp, đàm phán hợp đồng, đến việc tuân thủ các quy định pháp lý phức tạp. Việc chuyển giao quyền sở hữu không đơn thuần là việc chuyển nhượng tài sản và để đảm bảo quá trình này diễn ra suôn sẻ và hiệu quả, việc nắm vững các thủ tục pháp lý là vô cùng quan trọng. 

chuyen-nhuong-doanh-nghiep

1. Một số vấn đề cần lưu ý khi làm thủ tục chuyển nhượng

Thủ tục sang nhượng công ty luôn cần sự trung thực và cẩn trọng từ 2 bên. Để tránh rủi ro cũng như phát sinh những vấn đề ngoài ý muốn, cả 2 bên đều cần chú ý những vấn đề sau.

1.1. Đối với bên chuyển nhượng

Để tránh rủi ro về mặt pháp lý những hồ sơ về:

  • Thuế: báo cáo tháng, quý, quyết toán thuế, báo cáo tài chính,…;
  • Các nghĩa vụ tài chính của công ty: các khoản nợ thuế, tiền phạt thuế, phí,…phải được đơn vị kiểm tra kỹ lưỡng.

Đối với các loại hình doanh nghiệp tư nhân có quyền chuyển nhượng công ty của mình cho cá nhân và tổ chức khác. Tuy nhiên, chủ sở hữu cũ của doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đã phát sinh trước khi thực hiện sang nhượng. Hoặc không cần chịu trách nhiệm khi nhận được sự thỏa thuận từ bên nhận chuyển nhượng và chủ nợ của doanh nghiệp.

1.2. Đối với bên nhận chuyển nhượng

Khi nhận chuyển nhượng thì các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp sẽ không thay đổi. Do không làm thay đổi tư cách pháp nhân. Vì vậy, bên nhận quyền sở hữu nên lưu ý các vấn đề sau:

  • Thực hiện thẩm định pháp lý, tài chính, tài sản của doanh nghiệp
  • Xác định chính xác các khoản nợ, nghĩa vụ trước và tại thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng.
  • Yêu cầu bên chuyển nhượng ghi rõ nội dung liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ doanh nghiệp trong hợp đồng.

2. Hồ sơ cần chuẩn bị khi làm thủ tục chuyển nhượng doanh nghiệp

Hồ sơ đăng ký thay đổi kinh doanh:

  • Bản sao công chứng giấy tờ chứng thực cá nhân của cá nhân chuyển nhượng
  • Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp
  • Biên bản thanh lý hợp đồng
  • Quyết định của chủ sở hữu về việc chuyển nhượng vốn

Quá trình chuyển nhượng doanh nghiệp đòi hỏi sự chuẩn bị hồ sơ cẩn thận và đặc biệt, danh mục hồ sơ này sẽ có sự khác biệt đáng kể tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp. Không có một bộ hồ sơ 'chuẩn chung' áp dụng cho tất cả. Để đảm bảo tính chính xác và đầy đủ dưới đây sẽ là những nội dung liên quan đến các các hồ sơ cần thiết cho chuyển nhượng doanh nghiệp được phân biệt theo từng loại hình.

2.1. Hồ sơ chuyển nhượng công ty TNHH 1 thành viên

Căn cứ theo quy định tại Điều 76, Điều 77 Luật Doanh nghiệp:

  • Chủ sở hữu công ty có quyền quyết định chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác;
  • Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác.

➨ Như vậy, về bản chất, mua bán công ty TNHH 1 thành viên là việc chủ sở hữu chuyển nhượng toàn bộ vốn của công ty cho các cá nhân, tổ chức khác mua lại.

Bộ hồ sơ thủ tục chuyển nhượng công ty TNHH 1 TV

  1. Bản sao công chứng giấy tờ chứng thực cá nhân của cá nhân nhận chuyển nhượng.
  2. Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp.
  3. Biên bản thanh lý hợp đồng.
  4. Quyết định của chủ sở hữu về việc chuyển nhượng vốn.
  5. Thông báo thay đổi đăng ký kinh doanh.
  6. Thông báo thay đổi chủ sở hữu công ty.
  7. Điều lệ công ty sửa đổi.
  8. Văn bản ủy quyền cho người thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh.
  9. Bản sao công chứng giấy tờ chứng thực cá nhân của người thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra ,căn cứ theo Điều 53 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về thủ tục chuyển nhượng.Theo đó, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên cần một bản thông báo thay đổi chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên; bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân; bản sao Điều lệ sửa đổi, bổ sung của công ty; hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng phần vốn góp.

2.2. Hồ sơ chuyển nhượng công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Căn cứ theo quy định tại Điều 52 Luật Doanh nghiệp thì các thành viên trong công ty được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho cá nhân, tổ chức khác theo quy trình sau:

  • Chào bán phần vốn góp này cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán;
  • Nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hay không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán, thì thành viên này có thể chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức khác ở bên ngoài không phải là thành viên, tuy nhiên chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán với các thành viên còn lại trong công ty.

➨ Về bản chất, mua bán công ty TNHH 2 thành viên trở lên là việc tất cả thành viên công ty chuyển nhượng toàn bộ vốn, quyền và nghĩa vụ của mình cho các cá nhân, tổ chức khác.

Bộ hồ sơ thủ tục chuyển nhượng công ty TNHH 2 TV:

  1. Bản sao công chứng giấy tờ chứng thực cá nhân của cá nhân nhận chuyển nhượng.
  2. Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp.
  3. Biên bản thanh lý hợp đồng.
  4. Quyết định của Hội đồng thành viên.
  5. Biên bản họp của Hội đồng thành viên.
  6. Thông báo thay đổi đăng ký kinh doanh.
  7. Danh sách thành viên của công ty.
  8. Văn bản ủy quyền cho người thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh.
  9. Bản sao công chứng giấy tờ chứng thực cá nhân của người thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh.

2.3. Hồ sơ chuyển nhượng công ty Cổ phần

Chuyển nhượng cổ phần là việc cổ đông góp vốn trong công ty cổ phần chuyển nhượng lại cổ phần của mình cho cổ đông khác. Việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông được quy định như sau:

  • Loại cổ phần được chuyển nhượng: Cổ phần phổ thông, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại;
  • Cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng;
  • Cổ đông sáng lập: Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông;
  • Cổ đông thường (không phải cổ đông sáng lập) có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác;
  • Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Đối với công ty cổ phần, theo quy định của Nghị định 108/2018/NĐ-CP, trường hợp chuyển nhượng cổ phần không cần thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh. Hồ sơ gồm có:

  1. Bản sao công chứng giấy tờ chứng thực cá nhân của cổ đông nhận chuyển nhượng.
  2. Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp.
  3. Biên bản thanh lý hợp đồng.
  4. Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông.
  5. Quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
  6. Điều lệ công ty sửa đổi.

3. Hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân

Mọi loại hình doanh nghiệp khi muốn chuyển nhượng công ty đều phải thực hiện hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân như nhau, cụ thể:

  • Tờ khai thuế thu nhập cá nhân;
  • Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp;
  • Biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng;
  • Các chứng từ có liên quan đến chuyển nhượng vốn góp gồm: phiếu thu, chi, sổ hạch toán tài khoản 411, 111,…
  • Giấy giới thiệu.

Như vậy, quá trình chuyển nhượng doanh nghiệp đòi hỏi sự cẩn trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Việc hiểu rõ và tuân thủ các quy định hiện hành không chỉ giúp quá trình diễn ra suôn sẻ mà còn giảm thiểu rủi ro pháp lý cho cả bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng.

5/5 (1 bầu chọn)