Skip to content

Tọa đàm về cơ hội của doanh nghiệp đợt cuối năm 2012

Ngày 28/8/2012, Viện Quản trị kinh doanh (FSB) – Đại học FPT và Khoa Quản trị kinh doanh (HSB) - Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức buổi tọa đàm trong khuôn khổ chương trình Mini MBA về chủ đề “Cơ hội nào cho doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2012”.

Mục đích của buổi tọa đàm là tìm ra các giải pháp tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm cuối năm 2012, dành cho các lĩnh vực kinh doanh như tiêu dùng, điện máy, xuất - nhập khẩu, bất động sản, xây dựng, đầu tư tài chính. Nội dung xoay quanh các vấn đề quan trọng: 
- Tác động của yếu tố vĩ mô đến môi trường kinh doanh cuối năm 2012
- Thị trường có khởi sắc vào cuối năm nay? Khởi sắc ở lĩnh vực nào? 
- Kế sách cho doanh nghiệp nắm bắt cơ hội cũng như đề phòng rủi ro vào cuối năm nay.

70% số doanh nghiệp đang thua lỗ
Năm 2012 được cho là năm suy kiệt đối với các doanh nghiệp Việt Nam và cũng là một năm ảm đạm nữa của thị trường. Theo Tổng cục Thuế, thống kê tờ khai thuế của 256.000 doanh nghiệp, trong số 446.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, qua quý 1/2012 cho thấy, có tới 70% số doanh nghiệp đang thua lỗ. 
Vì vậy, sự kỳ vọng một tín hiệu khởi sắc vào cuối năm là tâm lý chung của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Liệu rằng cuối năm nay thị trường sẽ khởi sắc hơn? Khởi sắc ở thời điểm nào và tổng lượng cầu sẽ tăng lên đáng kể? Trong tình thế các doanh nghiệp đang eo hẹp về nguồn vốn và rất dễ tổn thương thì lại càng phải cẩn trọng và phân tích kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra các quyết sách kinh doanh. Hầu hết các doanh nghiệp đều kỳ vọng tăng doanh thu vào thời điểm cuối năm để bù đắp lại những thiếu hụt phát sinh. 
Dự đoán đúng về nhu cầu và lượng cầu của thị trường
Đầu tiên các doanh nghiệp cần chú ý tới là tổng lượng cầu của ngành hàng mình đang kinh doanh. Tất cả các quyết sách kinh doanh thành công của các doanh nghiệp đều dựa trên sự dự đoán đúng về nhu cầu và lượng cầu của thị trường. Các doanh nghiệp không có khả năng phân tích vĩ mô và dự đoán đúng lượng cầu trên thị trường sẽ dẫn đến các chiến dịch truyền thông tiếp thị chỉ mang tính chất “may rủi”. Nếu lượng cầu trên thị trường không đủ lớn thì các chiến dịch quảng bá sản phẩm rầm rộ sẽ trở nên vô nghĩa và tốn kém. 
Ngược lại, nếu tung chiến dịch quảng bá vào đúng thời điểm thì doanh nghiệp sẽ thắng lớn và giải quyết được lượng hàng tồn kho. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, các quyết định của chính phủ thường phức tạp và khó đoán biết thì việc phân tích và nắm bắt các cơ hội trên thị trường lại càng khó khăn hơn. “Nhất cử, nhất động” của các lãnh đạo đều có thể đưa doanh nghiệp thoát khỏi hoạn nạn nhưng cũng có thể đẩy doanh nghiệp tới “bờ vực thẳm”. Lãnh đạo các doanh nghiệp cần phân tích rõ ràng để có thể giải quyết vấn đề tận gốc và nắm bắt cơ hội dịp cuối năm.
Thị trường khởi sắc: tính thời vụ hay sự chi phối bởi chính sách?
Những tác động ẩn sau sự tăng giảm của lượng cầu trên thị trường thường bị ảnh hưởng mạnh bởi tính thời vụ của ngành hàng. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái thì tổng cầu sẽ chịu sự chi phối lớn từ các yếu tố vĩ mô, các công cụ chi phối thị trường của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường vừa được ban hành đầu tháng 5/2012 liệu có đủ mạnh để làm tăng lượng cầu vào cuối năm nay? Mặt khác, tâm lý của người tiêu dùng sẽ chuyển hướng như thế nào trong khi họ cũng đang bi quan về nền kinh tế? Những mặt hàng như thế nào sẽ được họ ưu tiên lựa chọn? 
Riêng đối với khối doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất – nhập khẩu thì lại càng bị tác động nhiều hơn bởi các yếu tố vĩ mô. Sự khởi sắc của thị trường nội địa chỉ là điều kiện cần. Bên cạnh đó, họ phải phân tích kỹ lưỡng các yếu tố vĩ mô để xác định tỉ giá hối đoái - yếu tố tác động trực tiếp đến lợi nhuận của khối doanh nghiệp này. 
Bắt kịp và hiểu được những tác động của sự thay đổi về yếu tố vĩ mô đến môi trường kinh doanh cộng thêm sự thấu hiểu ngành hàng và người tiêu dùng sẽ giúp cho các lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra được những quyết sách đúng đắn và có thể “vượt vũ môn” trước khi khép lại năm rồng này.
Đăng ký:  0945 771 784 (miss Như)
Email: [email protected]
Phí tham dự: 500.000 đồng, FSB đài thọ 400.000đ cho khách mời.
Diễn giả: TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia hàng đầu về kinh tế - tài chính, đầu tư.
Nhân kỷ niệm Quốc Khánh 2/9/2012, FSB thực hiện chương trình: “Nắm bắt cơ hội để phát triển công ty” –  tặng 10 học bổng trị giá 7.5 triệu đồng/ suất, áp dụng cho khóa 35, có giá trị đến 30/09/2012.

5/5 (1 bầu chọn)