Skip to content

Doanh nghiệp Việt: Mong manh đỉnh cao và vực sâu

Đã có những đại gia từng đứng lên bục vinh danh nhận hàng loạt giải thưởng. Bỗng chốc mọi thứ trở nên “lố” khi doanh nghiệp rơi vào khó khăn, thua lỗ.

Quá “lố” khi thất thu

Từng là doanh nghiệp dẫn đầu bảng  top Fast 500 – doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất năm 2011, nhưng chỉ trong vòng vài tháng đầu năm 2012, Công ty CP Tập đoàn Thái Hòa (THV) đã rơi vào vòng xoáy thua lỗ.

Những lời có cánh dành cho những doanh nghiệp được vinh danh: “tôn vinh những doanh nghiệp có hiệu quả và tăng trưởng nhanh nhất - những ngôi sao đang lên của nền kinh tế Việt Nam.... Doanh nghiệp đã đương đầu khá tốt với những bất trắc và khó khăn của bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới”…bỗng chốc trở thành “lố” khi chỉ ít thời gian sau vinh danh, doanh nghiệp lâm vào tình cảnh bi đát.
Thái Hòa đã rơi vào cái “bẫy”, một phần do chính mình đặt ra và cũng được vinh danh nhờ cái “bẫy” này. Từ năm 2008, Thái Hòa liên tục vay ngắn hạn để đầu tư trung và dài hạn, đây là yếu tố khi lọt top FAST 500, “Các doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng cũng là những doanh nghiệp đầy khát vọng và cam kết đầu tư dài hạn” .
Theo số liệu khảo sát của Vietnam Report vào tháng 1 năm 2012, cho thấy vẫn có tới trên 70% các doanh nghiệp tư nhân FAST500 dự kiến sẽ tăng đầu tư và mở rộng sản xuất trong năm 2012. Nhiều doanh nghiệp FAST 500 tiếp tục lạc quan rằng tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2012 và 2013 sẽ vẫn được duy trì ở mức cao.
Tuy vậy,không phải chờ đến hết năm 2012, Thái Hòa đã để hệ số nợ của doanh nghiệp lên cao, trong khi thanh khoản lại rất thấp. 
Theo báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 giảm mạnh do Công ty thiếu hụt nguồn vốn lưu động, bên cạnh đó hầu hết hàng tồn kho của công ty do kém, mất phẩm chất, chậm luân chuyển nên bị ứ động cao. 
Trong  quý II/2012, doanh thu của THV đã giảm 750 lần so với quý II cùng kỳ năm 2011, từ mức gần 300 tỷ về hơn 400 triệu đồng.
Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp của THV lại tăng cao từ mức 1,6 tỷ năm ngoái lên 34,5 tỷ quý II năm nay. Qua nửa năm, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khoảng 70 tỷ đồng.
Doanh thu giảm, chi phí tăng, khiến lợi nhuận sau thuế quý II là âm 31,25 tỷ, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (733 tỷ). Đồng thời lãi sau thuế của Thái Hòa 6 tháng cũng về âm 84,2 tỷ.
Theo báo cáo kết quả công tác soát xét, đơn vị kiểm toán đã đưa ra lưu ý, nợ phải trả ngắn hạn của THV đã vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 263,2 tỷ đồng trong đó hầu hết các khoản nợ ngắn hạn các tổ chức tín dụng đã quá hạn, lỗ lũy kế đến 30/6/2012 là hơn 320,02 tỷ đồng. Vượt xa số lỗ ban đầu là 84,17 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán cho rằng, với tình hình tài chính của THV, khả năng tiếp tục hoạt động phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ tiếp theo, sự trợ vốn của các tổ chức tin dụng, kế hoạch bán tài sản, dự án, công ty con hoạt động không hiệu quả cũng như sự cam kết mua cổ phần khi phát hành riêng lẻ của các cổ đông chính của THV bất cứ thời điểm cần thiết nào để THV đủ khả năng duy trì hoạt động.
THV hiện đang phải thu hẹp  sản xuất, đầu tư, tạm thời đóng cả một số dự án không hiệu quả và xoay sở trả nợ hàng loạt ngân hàng như, Ngân hàng NN&PTNT, Maritime Bank, Vietcombank, Habubank (SHB),VDB...
Khi lấy ngắn nuôi dài thất bại
Một doanh nghiệp khác khá nổi tiếng với các sản phẩm gạch xây dựng, đã từng nhận hàng loạt giải thưởng lớn là Công ty CP Viglacera Hạ Long (VHL) . Chỉ tính riêng trong năm 2011, VHL đã từng nhận được hơn 20 giải thưởng khác nhau như Giải thưởng thương hiệu nổi tiếng ASEAN năm 2011, Unesco Việt Nam tặng bảng vàng doanh nghiệp văn hoá 2011, Cúp thương hiệu sản phẩm uy  tín năm 2011(sp gạch lát 300 đỏ),…. Đó là chưa kể hơn chục lần được vinh danh khác tại các giải thưởng khác nhau trong những năm 2008 - 2010.
Đang nổi như cồn, bỗng chốc Viglacera Hạ Long lọt nhanh vào tình trạng thua lỗ đang diễn ra như “chuyện thường ở huyện” của doanh nghiệp Việt trong năm 2012.
Theo báo cáo bán niên độ có soát xét của VHL, tính đến thời điểm 30/6/2012, HVL đã lỗ lũy kế chưa phân phối khoảng hơn 80,9 tỷ đồng,  tổng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là 322 tỷ đồng. Trong khi vốn chủ sở hữu chỉ còn khoảng 90 tỷ đồng.
Trong đó VHL đã vay vốn tại rất nhiều chi nhánh các ngân hàng như Ngân hàng Công thương, Ngân hàng NH&PTNN, Ngân  hàng Ngoại thương, Ngân hàng VIB, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng TMCP Quân đội…
Trong khi VHL cho rằng mức độ tập trung rủi ro đối với việc trả nợ là thấp, HVL có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn từ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và tiền thu từ các tài sản tài chính đáo hạn, thì đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến, các dấu hiệu đã nêu ở trên dẫn tới sự nghi ngờ về khả năng hoạt động theo giả định hoạt động liên tục của HVL. 
Tuy vậy đơn vị kiểm toán cũng cho rằng, khả năng hoạt động liên tục của VHL phụ thuộc lớn vào chính sách bán hàng thu tiền ngay mà công ty này đang áp dụng.

2/5 (30 bầu chọn)