Skip to content

Nghĩa vụ và quyền lợi của cổ đông trong Công ty Cổ phần

24/10/20242 lượt đọc

Trong công ty cổ phần, cổ đông có vai trò quan trọng vì họ là những người sở hữu một phần vốn chủ sở hữu và cũng tham gia trong việc quyết định hướng đi, chiến lược trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. Khi cổ đông hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của trong công ty cổ phần sẽ chủ động hiểu được trách nhiệm của mình, giúp công ty phát triển bền vững và có tiềm năng mở rộng trong tương lai. 

Khái niệm và cách phân loại cổ đông trong Công ty Cổ phần

Cổ đông là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu ít nhất một phần cổ phần của công ty cổ phần. Trong đó, cổ phần là phần vốn nhỏ nhất mà một công ty phát hành ra để huy động vốn. Do đó, cổ đông trong công ty cổ phần chính là người góp vốn và sở hữu phần vốn tương đương với số lượng cổ phần đã sở hữu trong công ty.

Theo khoản 4 Điều 4, khoản 1, khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cổ đông được chia thành 3 loại chính:

  • Cổ đông sáng lập: Sở hữu ít nhất 1 cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.
  • Cổ đông phổ thông: Sở hữu cổ phần phổ thông.
  • Cổ đông ưu đãi: Đây là cổ đông nắm giữ cổ phần ưu đãi, với các loại ưu đãi khác nhau như ưu đãi biểu quyết, ưu đãi cổ tức, ưu đãi hoàn lại và các ưu đãi khác.

Những cổ đông trong công ty cổ phần sẽ có những quyền và nghĩa vụ khác nhau. Tuy nhiên, họ đều có chung trách nhiệm đóng góp vào vốn của công ty và tham gia vào các quyết định quan trọng liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh.

Nghĩa vụ và quyền lợi của cổ đông phổ thông

Cổ đông phổ thông là những người sở hữu cổ phần phổ thông, đây cũng là một trong những loại cổ phần phổ biến nhất trong công ty cổ phần. Theo khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020, trong công ty cổ phần họ có những quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể:

1. Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông

  • Nghĩa vụ góp vốn: Cổ đông phổ thông có trách nhiệm góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết khi đăng ký mua cổ phần.
  • Nghĩa vụ tuân thủ điều lệ công ty: Các cổ đông phổ thông cần phải nghiêm túc thực hiện điều lệ, quy định của công ty cũng như các quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
  • Nghĩa vụ bảo mật thông tin: Cổ đông trong công ty cổ phần có nghĩa vụ giữ bí mật về các thông tin quan trọng của công ty và không được tiết lộ để tránh gây ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh.
  • Nghĩa vụ không thực hiện các hành vi gây hại: Cổ đông phổ thông không được lợi dụng quyền lực để thực hiện các hành vi gây thiệt hại cho hình ảnh và hoạt động kinh doanh của công ty.

2. Quyền lợi của cổ đông phổ thông

  • Quyền tham dự họp và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông: Cổ đông phổ thông có quyền tham gia và bỏ phiếu các quyết định quan trọng của công ty. Trong đó, mỗi cổ phần phổ thông tương ứng với một phiếu bầu và cùng tham gia vào việc định hướng hoạt động phát triển của công ty.
  • Quyền nhận cổ tức: Cổ đông phổ thông có quyền nhận cổ tức dựa trên tỷ lệ cổ phần mà họ nắm giữ. Trong đó mức cổ tức phụ thuộc vào lợi nhuận của công ty và được trả cổ tức trả bằng tiền hoặc cổ phiếu.
  • Quyền chuyển nhượng cổ phần: Cổ đông phổ thông sẽ có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ khi điều lệ công ty có quy định khác.
  • Quyền tiếp cận thông tin: Cổ đông phổ thông có quyền được cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính và các tài liệu liên quan khác của công ty.
  • Quyền yêu cầu mua lại cổ phần: Trong trường hợp cổ đông trong công ty cổ phần không đồng ý với các quyết định như sáp nhập, chia tách công ty, họ có thể yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình.

Nghĩa vụ và quyền lợi của cổ đông sáng lập

Cổ đông sáng lập là những cổ đông đầu tiên thành lập công ty cổ phần và sở hữu cổ phần bắt đầu kể từ thời điểm công ty được thành lập. Cụ thể, cổ đông trong công ty cổ phần này sẽ có quyền và nghĩa vụ đặc biệt hơn so với cổ đông phổ thông.

1. Nghĩa vụ cổ đông sáng lập

  • Nghĩa vụ góp vốn: Các cổ đông sáng lập của công ty cổ phần phải thực hiện nghĩa vụ góp vốn đầy đủ trong thời hạn cam kết trước đó. Nếu vì lý do nào đó họ không thực hiện, họ sẽ mất quyền lợi liên quan trực tiếp đến cổ phần mà họ nắm giữ.
  • Nghĩa vụ duy trì cổ phần: Trong một số trường hợp, cổ phần được quy định bắt buộc đối với các nhà lãnh đạo, phải nắm giữ trong một thời gian tối thiểu (thường là 3 năm) trước khi họ có thể chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.
  • Nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của công ty: Cổ đông sáng lập phải luôn đặt lợi ích của công ty lên hàng đầu, đảm bảo rằng các quyết định được đưa ra không gây hại cho công ty hoặc cổ đông khác.
  • Nghĩa vụ thực hiện các cam kết: Cổ đông sáng lập có trách nhiệm thực hiện đúng các cam kết đã đưa ra khi thành lập công ty, bao gồm các vấn đề tài chính, nhân sự và chiến lược phát triển.

2. Quyền lợi của cổ đông sáng lập

  • Quyền chuyển nhượng cổ phần: Cổ đông sáng lập có quyền chuyển nhượng cổ phần cho các cổ đông sáng lập khác trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng cổ phần phổ thông có thể được sự cho phép của Đại hội đồng cổ đông.
  • Quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết: Trong thời gian đầu thành lập công ty cổ phần, cổ đông sáng lập có quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết trong thời gian ban đầu. Điều này cho phép họ có số phiếu bầu cao hơn so với cổ đông phổ thông (cao hơn gấp 2-3 lần),do đó họ có tiếng nói mạnh mẽ hơn khi đưa ra quyết định quan trọng của công ty.
  • Quyền đề xuất sửa đổi điều lệ: Các cổ đông sáng lập thường có quyền đề xuất và bổ sung ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty.
  • Quyền định hướng chiến lược phát triển: Vì sở hữu nhiều cổ phần biểu quyết hơn và nắm giữ phần lớn cổ phần nên các cổ đông có  ảnh hưởng đáng kể trong việc định hướng chiến lược phát triển của công ty.
  • Quyền  nắm giữ vị trí quản lý: Khi trở thành cổ đông sáng lập, các cổ đông có thể hoặc có xu hướng được ưu tiên vào các vị trí chủ chốt, như Giám đốc hoặc thành viên Hội đồng quản trị.

Nghĩa vụ và quyền lợi của cổ đông ưu đãi

Cổ đông ưu đãi là những người nắm giữ cổ phần ưu đãi, loại cổ phần này mang lại một số quyền lợi đặc biệt so với cổ đông phổ thông. Có nhiều loại cổ phần ưu đãi khác nhau như cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại, và cổ phần ưu đãi biểu quyết.

1. Nghĩa vụ của cổ đông ưu đãi

  • Nghĩa vụ không tham gia bỏ phiếu (trừ khi có quyền biểu quyết): Cổ đông ưu đãi cổ tức và cổ đông ưu đãi hoàn lại thường không có quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng cổ đông, trừ khi công ty đưa ra quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ.
  • Nghĩa vụ tuân thủ điều kiện: Cổ đông ưu đãi phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện và quyền hạn quy định khi sở hữu loại cổ phần này. Ví dụ, nếu là cổ đông ưu đãi hoàn lại, họ chỉ có thể yêu cầu hoàn lại vốn trong các điều kiện đã được quy định.
  • Nghĩa vụ góp vốn: Tương tự cổ đông sáng lập và cổ đông phổ thông, cổ đông ưu đãi cũng cần thực hiện cam kết góp vốn của các thành viên để đảm bảo góp đủ số vốn đã cam kết với công ty.

2. Quyền lợi của cổ đông ưu đãi

  • Cổ tức cao hơn: Cổ đông ưu đãi cổ tức thường được hưởng mức cổ tức cao hơn cổ đông phổ thông, và có thể được ưu tiên nhận cổ tức trước trong trường hợp công ty chi trả cổ tức.
  • Quyền được ưu tiên hoàn vốn: Trong trường hợp công ty giải thể hoặc phá sản, cổ đông ưu đãi sẽ được ưu tiên hoàn vốn trước cổ đông phổ thông. Đây là quyền lợi giúp họ bảo vệ tài sản của họ trong trường hợp công ty gặp khó khăn tài chính.
  • Quyền biểu quyết: Cổ đông ưu đãi biểu quyết có số phiếu bầu cao hơn so với cổ đông phổ thông, giúp họ có tiếng nói quan trọng hơn trong các quyết định lớn của công ty.
  • Quyền yêu cầu hoàn lại vốn: Cổ đông nắm giữ cổ phần ưu đãi hoàn lại có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình theo các điều kiện đã thỏa thuận trước đó.

Khi hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của cổ đông trong công ty cổ phần sẽ giúp cổ đông đưa ra các quyết định đầu tư sáng suốt, đồng thời đảm bảo sự minh bạch và bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, giúp cổ đông đóng góp cho sự phát triển lâu dài của công ty và hưởng lợi ích từ khoản đầu tư của mình.

5/5 (1 bầu chọn)