Chính vì lẽ đó, việc tái cấu trúc nền kinh tế đầu tiên phải tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công…
Đã có nhiều ý kiến phân tích, đánh giá, góp ý, và tư vấn về tái cấu trúc kinh tế Việt Nam. Tổng hợp lại, mục tiêu cuối cùng của mọi khuyến nghị đều hướng tới việc tăng hiệu quả (và từ đó tăng tính cạnh tranh) của nền kinh tế Việt Nam.
Đã hết dần những ưu thế tự nhiên
Vấn đề được nhiều người bàn tới nhất là cắt giảm bớt đầu tư công (trên cơ sở cho rằng đầu tư công là thiếu hiệu quả),cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước (đặc biệt là các tổng công ty và các tập đoàn kinh tế),cải tổ thị trường tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế từ tăng trưởng dựa vào thâm dụng vốn và tài nguyên sang mô hình dựa vào tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng, thay đổi hệ thống luật về đất đai (bao gồm cả việc nhìn nhận lại vấn đề quyền sử dụng đất),cải cách hệ thống tiền lương và thi tuyển công chức…
Những điểm yếu cơ bản của cơ cấu kinh tế nước ta không phải đến bây giờ mới được nhìn ra. Từ khá lâu, các chuyên gia kinh tế cũng như chính bản thân các nhà hoạch định chính sách đã phác thảo cận cảnh nền kinh tế với các biểu hiện rõ nét: Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm có xu hướng giảm dần, chất lượng giảm sút; tăng trưởng kinh tế thiên về chiều rộng, dựa chủ yếu vào gia tăng số lượng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên; hiệu quả sử dụng các nguồn lực (vốn, tài nguyên thiên nhiên, đất đai...) và năng suất lao động còn thấp. Chi phí sản xuất, tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm ở mức cao và có xu hướng tăng lên... Nếu các điểm yếu này chậm được khắc phục, tốc độ và hiệu quả nền kinh tế ngày càng suy giảm.
Theo phân tích của chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, hiện nay vốn đầu tư đang đóng góp khoảng 60% vào tăng trưởng GDP hàng năm; lao động và nhân tố lao động tổng hợp đóng góp phần còn lại, khoảng 40%. Do công nghệ chậm đổi mới, các sản phẩm công nghệ cao chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 6%) và hầu như không thay đổi trong 10 năm qua. “Cơ cấu các ngành nghề còn manh mún, nhỏ lẻ và phân tán, dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và lao động phổ thông giá rẻ. Trình độ sản xuất thấp nên sản phẩm xuất khẩu chủ yếu ở dạng gia công, lắp ráp. Giá trị gia tăng thấp do dựa chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu và các sản phẩm trung gian từ bên ngoài” – ông Thành nói.
Bàn về chiến lược tái cấu trúc doanh nghiệp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, việc tái cơ cấu là một trong những đòi hỏi từ các thành quả của khoa học – công nghệ trong sản xuất và quản lý. Theo đó, doanh nghiệp phải xác định chiến lược sản phẩm gắn với việc lựa chọn thị trường mục tiêu. Đồng thời, doanh nghiệp phải lập kế hoạch nâng cao sức cạnh tranh gắn với việc áp dụng công nghệ sản xuất mới, quản lý mới, phát triển nguồn nhân lực với lưu ý về việc tạo ra sự khác biệt.
Khoanh vùng cho DNNN
Ngoài việc nền kinh tế phụ thuộc vào các sản phẩm thâm dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thô, điểm yếu của nền kinh tế còn bộc lộ ở cơ cấu bất hợp lý về phân bố nguồn lực, biểu hiện ở các điểm: Các doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, chủ đạo trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Kinh tế tư nhân trong nước còn nhỏ, chưa là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế; trong khi đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài gia tăng nhanh chóng và đang mở rộng quy mô đến mức làm nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào bên ngoài.
Một khía cạnh khác là không gian kinh tế đang bị chia cắt theo đơn vị hành chính, nhất là các tỉnh, thành. Vì vậy, kinh tế vùng chưa hình thành bằng sự kết nối hữu cơ, hợp tác và bổ sung lẫn nhau để phát huy lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh. Thay vào đó, các địa phương thường theo đuổi cơ cấu kinh tế tương tự nhau, cạnh tranh theo kiểu “cùng đi về đáy”, làm sai lệch hoặc phá vỡ không gian và quy hoạch phát triển chung...
Về chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhắc lại năm 2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuyển qua Quốc hội bộ tài liệu hơn 200 trang về vấn đề này, trong đó, “kể tội” một số tập đoàn. Thế nhưng, đã 3 năm rồi, quá trình tái cấu trúc đã đi đến đâu?.
Một vấn đề khác được đặt ra là trong quá trình này, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở đâu và làm việc gì? Ông Thành rất băn khoăn khi khối DN này chiếm gần 50% tín dụng của nền kinh tế nhưng hiệu quả hoạt động vẫn ở mức quá khiêm tốn. Mặt khác, hơn chục ngàn DNNN đã cổ phần hóa và số còn lại đang tính đến biện pháp tái cơ cấu. “Hiệu quả của quá trình này ở mức độ nào khi Tổng công ty nhà nước vẫn đi làm taxi?”, ông Thành bức xúc.
Chia sẻ những trăn trở này, ông Trương Đình Tuyển cho rằng cần xác định các ngành nghề cần có sự tham gia của DNNN và tỷ lệ tham gia cụ thể. Nội dung đáng chú ý thứ hai trong quá trình tái cơ cấu DNNN là đẩy mạnh cổ phần hóa nhóm doanh nghiệp này, thực hiện công khai minh bạch hoạt động của DNNN theo các tiêu chí của công ty niêm yết. Đồng thời, ông Tuyển cũng lưu ý nên đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các DN thuộc các thành phần khác và đổi mới phương pháp quản trị DNNN và cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN.
Làm rõ hơn những lĩnh vực DNNN được làm, theo ý kiến của nguyên Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Trần Xuân Giá, thì Nhà nước chỉ cần và phải có mặt ở những nơi liên quan đến quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội; những nơi rất cần cho sự phát triển đất nước mà tư nhân không muốn hoặc không thể làm… Còn lại để cho tư nhân làm nhà nước chỉ lo quản lý và thu thuế. Và với tư cách là nhà đầu tư, Chính phủ sẽ không đầu tư thành lập doanh nghiệp, thành lập công ty để tìm kiếm lợi tức tài chính; không đầu tư góp vốn, thành lập công ty trọn gói để tìm kiếm địa tô; không đầu tư góp vốn, tư vấn thành lập doanh nghiệp, thành lập công ty, cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác trong các ngành, nghề lĩnh vực mà khu vực kinh tế tư nhân có khả năng đầu tư và phát triển.
Những thách thức của quá trình tái cơ cấu là không nhỏ. Theo ông Tuyển, thách thức lớn nhất là phải có quyết tâm chính trị cao ở cả cấp độ nhà nước và cấp độ doanh nghiệp. Thứ hai, tái cấu trúc là một quá trình lột xác khó thoát khỏi đau đớn và tái cấu trúc chắc chắn sẽ mất chi phí. Hệ quả của quá trình này là một số doanh nghiệp có thể bị loại khỏi thị trường và tăng trưởng có thể giảm. Các cơ hội và thách thức của quá trình này cũng đã được chỉ rõ. Về cơ hội, khoa học công nghệ phát triển nhanh có hệ quả là quy mô không bằng tốc độ. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập tạo thị trường rộng lớn và tạo điều kiện bảo đảm quy mô kinh tế trong đầu tư. Mặt khác, mặc dù còn khó khăn nhưng kinh tế vĩ mô sẽ có xu thế ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế tạo điều kiện giảm lãi suất và tín dụng. Đáng lưu ý, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh cũng tạo ra nhiều danh mục đầu tư cho các doanh nghiệp lựa chọn./.